Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Tôi muốn biết hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cần những gì? - Trọng Lâm (Đà Nẵng)

Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Hình từ Internet)

1. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Theo Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-NHNN, phạm vị giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm giám định tư pháp về:

-Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;

- Hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng;

- Hoạt động ngân hàng, bao gồm các hoạt động: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản;

- Bảo hiểm tiền gửi;

- Các hoạt động khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Theo đó, hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng bao gồm:

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp của Thủ trưởng đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác;

- Bản sao có chứng thực các văn bằng chứng minh chuyên ngành được đào tạo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-NHNN phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm; văn bản công nhận của cấp có thẩm quyền đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp;

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền;

- Xác nhận thời gian hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 14/2020/TT-NHNN;

- 02 ảnh cỡ 2cm x 3cm theo quy định của Bộ Tư pháp.

(Khoản 1 Điều 6 Thông tư 14/2020/TT-NHNN)

3. Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Cụ thể tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-NHNN, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng:

- Tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020) và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), bao gồm:

+ Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

+ Không thuộc một trong các trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

(i) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

(ii) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

(iii) Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

- Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành tài chính - ngân hàng; kế toán; kinh tế; luật; công nghệ thông tin, mỹ thuật, công nghệ kỹ thuật in và công nghệ hóa học do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam;

- Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giám định tư pháp

Theo Điều 6 Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi 2020), các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động giám định tư pháp như sau:

- Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.

- Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

- Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng.

- Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.

- Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.

- Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.

- Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.

Thanh Rin

367 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;