Sắp tới Chính phủ sẽ có Nghị định mới thay thế Nghị định 88 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Nghị định 88/2019/NĐ-CP được nghiên cứu, xây dựng căn cứ Luật Các Tổ chức tín dụng 2010, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017, Luật Phòng, chống rửa tiền 2012. Tuy nhiên, những văn bản này đã được thay thế, do vậy, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị định cho phù hợp với các quy định hiện hành.
Dự thảo Nghị định mới (thay thế Nghị định 88) được xây dựng dựa trên các định hướng như sau:
- Sửa đổi các quy định phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và các văn bản hướng dẫn;
- Sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt phù hợp với các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, điều cấm tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đảm bảo tính răn đe, xử phạt nghiêm minh;
- Tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thực hiện chức năng xử phạt vi phạm hành chính tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thanh tra, xử phạt.
Nghị định gồm 04 Chương, cụ thể như sau:
- Chương I: Quy định chung
- Chương II: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và mức phạt tiền
- Chương III: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
- Chương IV: Điều khoản thi hành
Nghị định 88 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sắp bị thay thế (Hình từ internet)
Mục tiêu xây dựng chính sách
- Góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt vi phạm hành chính được thực thi hiệu quả; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ cho hệ thống pháp luật.
- Bảo đảm quy định đầy đủ hành vi vi phạm hành chính, không bỏ lọt vi phạm; hành vi vi phạm hành chính rõ ràng; mức xử phạt hành chính phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi.
- Bảo đảm răn đe và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Đánh giá tác động của chính sách
Liên quan đến các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng được đánh giá cụ thể các chính sách như sau:
- Chính sách 1: Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Luật Các TCTD phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 15, quy định về thông báo cho NHNN việc bổ nhiệm người đảm nhiệm chức vụ người đại diện theo pháp luật tại Điều 11, yêu cầu về khai trương hoạt động chi nhánh ở trong nước, phòng giao dịch của ngân hàng thương mại, kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập.
- Chính sách 2: Sửa đổi, bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm tại Luật Phòng, chống rửa tiền phù hợp với quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 về xây dựng quy trình quản lý rủi ro tại Điều 16, quy định liên quan đến khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị tại Điều 17, quy định về sản phẩm, dịch vụ mới, sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới, giám sát đặc biệt giao dịch tại Điều 18, 19, 20.
- Chính sách 3: Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc và các biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với hành vi vi phạm hành chính.
- Chính sách 4: Bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với các vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền; phòng, chống tài trợ khủng bố; phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Xem thêm tại Dự thảo Nghị định.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |