Công chứng bản dịch là một trong những hoạt động mà tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Vậy, tổ chức hành nghề công chứng cần những điều kiện gì để có thể công chứng bản dịch?
Điều kiện công chứng bản dịch thuật (Hình từ internet)
1. Cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng
Theo khoản Điều 61 Luật Công chứng 2014 quy định về cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
- Việc dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để công chứng phải do người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
- Cộng tác viên phải là người tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc đại học khác mà thông thạo thứ tiếng nước ngoài đó.
Ngoài ra, cộng tác viên phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
Cụ thể, theo Điều 22 Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng như sau:
- Cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Công chứng 2014.
Trong trường hợp cộng tác viên phiên dịch đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm cộng tác viên thì có thể ký trước vào bản dịch; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của cộng tác viên phiên dịch với chữ ký mẫu trước khi ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
- Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên phiên dịch:
+ Nhận thù lao phiên dịch theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng.
+ Chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện.
+ Hoàn trả số tiền mà tổ chức hành nghề công chứng đã bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định tại Điều 38 Luật Công chứng 2014.
+ Chấp hành các quy định của pháp luật về dịch thuật, nội quy làm việc của tổ chức hành nghề công chứng.
+ Các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng hoặc theo quy định của pháp luật.
2. Thủ tục công chứng bản dịch
Theo khoản 2, 3 Điều 61 Luật Công chứng 2014 quy định thủ tục công chứng bản dịch như sau:
- Công chứng viên tiếp nhận bản chính giấy tờ, văn bản cần dịch, kiểm tra và giao cho người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình thực hiện. Người phiên dịch phải ký vào từng trang của bản dịch trước khi công chứng viên ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
- Lời chứng của công chứng viên đối với bản dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng.
- Họ tên người phiên dịch; chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người phiên dịch; chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
3. Những trường hợp không được công chứng bản dịch
Theo khoản 4 Điều 61 Luật Công chứng 2014 quy định không được công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:
- Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả.
- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung.
- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để có thể công chứng bản dịch thì tại cơ sở công chứng phải cần có cộng tác viên dịch thuật theo quy định như trên.
Chí Nhân