Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 7/2023

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 7/2023
Nguyen Thi Diem My

Bổ sung một số ngành nghề học nặng nhọc, độc hại mới; Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ 21/7/2023; Thêm cơ quan có thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu biên giới... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 7/2023 (từ ngày 21 – 31/7/2023).

Bổ sung một số ngành nghề học nặng nhọc, độc hại mới

Ngày 15/6/2023, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Theo đó, bổ sung một số nhóm ngành nghề học vào Danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng như sau:

- Nhóm ngành nghệ thuật trình diễn: nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế; nghệ thuật biểu diễn xiếc; diễn viên kịch, điện ảnh;…

- Nhóm ngành công nghệ sản xuất gồm: Công nghệ sản xuất bột giấy và giấy, công nghệ sản xuất ván nhân tạo, sản xuất vật liệu hàn, sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

- Nhóm ngành sản xuất và chế biến gồm: Chế biến thực phẩm, công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm, công nghệ kỹ thuật sản xuất muối, sản xuất muối từ nước biển, công nghệ dệt, may thời trang.

- Nhóm ngành du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân gồm hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lưu trú, kỹ thuật chế biến món ăn, quản trị buồng phòng.

- Nhóm ngành môi trường và bảo vệ môi trường gồm xử lý rác thải, an toàn phóng xạ.

- Nhóm ngành quân sự gồm trinh sát biên phòng, huấn luyện động vật nghiệp vụ, kỹ thuật cơ điện tăng thiết giáp, sử dụng và sửa chữa thiết bị vô tuyến phòng không, khí tài quang học, thông tin Hải quân, ra đa tàu hải quân.

Ngoài ra, ở trình độ trung cấp, bổ sung thêm nhóm ngành nghề được xếp vào nặng nhọc, độc hại như sau:

- Ngành công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng, bao gồm các nghề: Công nghệ kỹ thuật xây dựng; công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; xây dựng công trình thủy; lắp đặt giàn khoan; xây dựng công trình thủy điện; xây dựng công trình mỏ; kỹ thuật xây dựng mỏ.

- Ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển; công nghệ chế tạo máy; công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ; công nghệ ô tô; công nghệ hàn…

- Ngành kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật gồm các nghề: Chế tạo thiết bị cơ khí; gia công và lắp dựng kết cấu thép; gia công lắp ráp hệ thống ống tàu thủy; cắt gọt kim loại; sửa chữa máy tàu thuỷ; sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; sửa chữa máy thi công xây dựng; bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ giới hạng nặng; vận hành, sửa chữa máy thi công đường sắt…

- Ngành kiến trúc và xây dựng gồm các nghề: Kỹ thuật xây dựng; xây dựng cầu đường; xây dựng cầu đường bộ; cốp pha – giàn giáo; cốt thép – hàn; mộc xây dựng và trang trí nội thất…

- Ngành kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, bao gồm các nghề: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; điện công nghiệp và dân dụng; điện tàu thủy; vận hành nhà máy thủy điện; lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên;…

Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày 30/7/2023.

Quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương

Ngày 05/6/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 12/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 10/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư 10/2018/TT-BCT (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Thông tư 12/2023/TT-BCT) thì quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương như sau:

- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức hoặc ủy quyền bằng văn bản cho cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tổ chức đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương theo quy trình như sau:

+ Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đăng ký kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 40/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Nghị định 18/2023/NĐ-CP.

+ Lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, phương thức kiểm tra.

+ Thông báo kế hoạch kiểm tra.

+ Tổ chức kiểm tra.

+ Đánh giá kết quả kiểm tra.

+ Thông báo kết quả kiểm tra.

- Việc kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và kiểm tra kiến thức cho đầu mối tại địa phương có thể được tổ chức tại cùng một đợt hoặc tại các đợt khác nhau.

Thông tư 12/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.

Thêm cơ quan có thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu biên giới

Ngày 16/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 34/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền xác định phạm vi khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới, lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới gồm:

(1) Chính phủ: Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa. (hiện hành không quy định)

(2) UBND tỉnh biên giới:

- Quyết định phê duyệt phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng xác định phạm vi khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương); lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa và báo cáo Chính phủ quyết định;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường để lập, thẩm định quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Lập, thẩm định, phê duyệt đối với quy hoạch phân khu xây dựng và quy hoạch chi tiết xây dựng tại khu vực cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương);

- Lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới.

(3) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an, Ngoại vụ, Công Thương, Y tế, Hải quan, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường và UBND cấp huyện có cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới xác định phạm vi khu vực cửa khẩu phụ (cửa khẩu địa phương), lối mở biên giới và báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Nghị định 34/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 31/7/2023.

Mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ 21/7/2023

Ngày 06/6/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 36/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).

Theo đó, mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:

- Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ C/O.

- Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.

Thông tư 36/2023/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 21/7/2023.

635 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;