Hướng dẫn giải quyết chế độ, tiền lương cho NLĐ khi HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ

Hợp đồng lao động có thể bị vô hiệu toàn bộ nếu giao kết không đúng thẩm quyền, nội dung vi phạm pháp luật,... Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này chế độ, tiền lương cho người lao đông sẽ được giải quyết như thế nào?

tiền lương cho người lao động, Bộ luật Lao động 2019

Giải quyết chế độ, tiền lương cho người lao động khi HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ (Ảnh minh họa)

Căn cứ quy định tại Điều 10, 11 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, khi HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ các vấn đề liên quan bao gồm cả chế độ, tiền lương cho người lao động được giải quyết như sau:

1. Các lý do có thể dẫn đến HĐLĐ bị vô hiệu

Theo đó, HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ có thể xuất phát từ 02 lý do sau đây:

  • Do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động;

  • Do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

2. Hướng giải quyết khi HĐLĐ bị vô hiệu

 Khi HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ người lao động và người sử dụng lao động có thể lựa chọn một trong 02 cách sau:

  • Ký lại hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; hoặc

  • Thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Giải quyết quyền, nghĩa vụ và lợi ích nói chung và tiền lương cho người lao động nói riêng

** Trong trường hợp ký lại HĐLĐ:

Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi hợp đồng lao động được ký lại thực hiện như sau:

- Nếu quyền, lợi ích của mỗi bên trong hợp đồng lao động không thấp hơn quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động được thực hiện theo nội dung hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

- Nếu hợp đồng lao động có nội dung về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của mỗi bên vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến phần nội dung khác của hợp đồng lao động thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động thực hiện như sau:

+ Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong thời gian từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu đến khi hợp đồng lao động được sửa đổi, bổ sung thì được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng, trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu có tiền lương thấp hơn so với quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và người sử dụng lao động có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho người lao động tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

- Thời gian người lao động làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu được tính là thời gian làm việc của người lao động cho người sử dụng lao động để làm căn cứ thực hiện chế độ theo quy định của pháp luật về lao động.

** Trường hợp chấm dứt HĐLĐ:

Trường hợp không ký lại hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người lao động kể từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động được thực hiện như trường hợp ký lại HĐLĐ. Đồng thời, người lao động còn được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

>> Xem thêm Cách tính thời gian làm việc để trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

Lưu ý: Riêng trường hợp HĐLĐ vô hiệu do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm thì người sử dụng lao động còn phải trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng cứ mỗi năm làm việc ít nhất bằng một tháng lương tối thiểu vùng theo tháng áp dụng đối với địa bàn người lao động làm việc do Chính phủ quy định tại thời điểm quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Thời gian làm việc của người lao động để tính trợ cấp là thời gian làm việc thực tế theo hợp đồng lao động bị tuyên bố vô hiệu.

4. Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ

Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động hoặc do toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật hoặc công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Trên đây là toàn bộ những vấn đề liên quan đến giải quyết chế độ, tiền lương cho người lao động khi HĐLĐ bị vô hiệu toàn bộ, người lao động cần lưu ý để bảo vệ tốt cho quyền lợi hợp pháp của mình.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1231 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;