Mới: 10 khoảng thời gian được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 . Trong đó, quy định 10 khoảng thời gian được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm từ năm 2021.

thời gian làm việc để hưởng phép năm

Mới: 10 khoảng thời gian được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo quy định tại Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động bao gồm:

(1) Thời gian học nghề, tập nghề nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động. Trong đó, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động được quy định như sau:

  • Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp;

  • Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.

(2) Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

(3) Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương, bao gồm:

  • Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

  • Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

(4) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

(5) Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

(6) Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

(7) Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(8) Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật. (Trước đây, tại Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định là thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn)

(9) Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

(10) Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động. (Trước đây, tại Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định là thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc)

Như vậy, theo quy định trên, có thể thấy Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã có một số thay đổi về thời gian được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm so với quy định trước đây tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP và bãi bỏ thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội. Do đó, từ ngày 02/01/2021, sẽ chỉ còn 10 khoảng được tính được tính là thời gian làm việc để hưởng phép năm.

Bên cạnh đó, Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng hướng dẫn cách tính ngày nghỉ hằng năm trong một số trường hợp đặc biệt của người lao động như sau:

Trường hợp 1: Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng được tính như sau: Lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.

Số ngày được nghỉ hằng năm

=

(Số ngày nghỉ hằng năm + số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có))

:

12

x

số tháng làm việc thực tế trong năm


Trường hợp 2: Người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.

Trường hợp 3: Toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước được tính là thời gian làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm nếu người lao động tiếp tục làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Ty Na

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
634 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;