Tôi muốn hỏi việc tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm phải tuân thủ các yêu cầu như thế nào? – Minh Phú (Bình Thuận)
Yêu cầu về tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 26/9/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2774/QĐ-BGDĐT về Chương trình Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các yêu cầu về tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức thiết bị, thí nghiệm như sau:
(1) Yêu cầu đối với báo cáo viên
- Báo cáo viên tham gia giảng dạy chương trình là giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thiết bị trường học; các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm và am hiểu công tác thiết bị, thí nghiệm.
- Báo cáo viên là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong việc đào tạo, bồi dưỡng viên chức.
- Báo cáo viên cần đầu tư nghiên cứu tài liệu, thường xuyên cập nhật kiến thức, kĩ năng mới, chính sách hiện hành trong lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục.
- Báo cáo viên giảng dạy chương trình phải gắn việc giảng dạy lý thuyết với các minh chứng điển hình trong thực tiễn.
(2) Yêu cầu về nội dung, hình thức và phương pháp bồi dưỡng
- Về nội dung: Đảm bảo nội dung bồi dưỡng bám sát chương trình, có đủ tài liệu và điều kiện tổ chức hoạt động giảng dạy lý thuyết, hoạt động thảo luận, thực hành; hoạt động tự nghiên cứu, tự học là một yêu cầu bắt buộc đối với đối tượng bồi dưỡng của chương trình.
Đối với nội dung tìm hiểu thực tế và viết bài thu hoạch, các cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng cần tính đến việc phù hợp các điều kiện thực tế và sắp xếp thời gian, nhân lực, các điều kiện khác một cách hợp lý, khoa học.
- Về hình thức tổ chức bồi dưỡng: Tùy theo điều kiện thực tế, các cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng lựa chọn hình thức bồi dưỡng tập trung hoặc trực tuyến hoặc bán tập trung (kết hợp giữa bồi dưỡng tập trung và trực tuyến) một cách linh hoạt, hợp lý, khoa học.
- Về phương pháp: Tăng cường áp dụng các phương pháp bồi dưỡng phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu khác nhau của đối tượng bồi dưỡng như dạy học hợp tác nhóm, cùng tham gia dự án... để thảo luận và tìm kiếm giải pháp giải quyết các tình huống thực tiễn ở các loại hình trường khác nhau.
(3) Yêu cầu đối với học viên
- Nghiên cứu tài liệu trước khi tham gia học tập trên lớp, tích cực tham gia thảo luận, làm bài tập theo yêu cầu của báo cáo viên.
- Chủ động vận dụng các nội dung kiến thức, kỹ năng đã được học để vận dụng vào quá trình công tác.
- Có trách nhiệm thường xuyên tự bồi dưỡng để củng cố các kiến thức, kỹ năng đã được học tập; tiếp tục cập nhật các kiến thức, kỹ năng, các văn bản hướng dẫn, quy định mới để vận dụng vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức thiết bị, thí nghiệm.
(1) Thời lượng bồi dưỡng
- Tổng thời lượng: 160 tiết. Trong đó:
+ Lý thuyết và thực hành: 130 tiết.
+ Ôn tập và thảo luận: 10 tiết.
+ Kiểm tra: 02 tiết.
+ Tìm hiểu thực tế (tham quan, khảo sát, nghe báo cáo ngoại khóa), viết thu hoạch: 16 tiết.
+ Khai giảng, bế giảng: 02 tiết.
- Thời gian thực hiện là 04 tuần x 05 ngày làm việc/tuần x 08 tiết/ngày = 160 tiết. Trường hợp bố trí, sắp xếp thời gian bồi dưỡng không liên tục nhằm phù hợp với vị trí công tác của đối tượng học viên thì thời gian thực hiện tối đa là 06 tuần.
(2) Cấu trúc chương trình
Chương trình gồm 7 chuyên đề, chia thành 3 phần:
- Phần 1: Kiến thức chung.
- Phần 2: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của viên chức thiết bị, thí nghiệm.
- Phần 3: Tìm hiểu thực tế và viết bài thu hoạch.
Quyết định 2774/QĐ-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 4855/QĐ-BGDĐT ngày 17/12/2019.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |