Lái xe khi có nồng độ cồn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với người điều khiển xe ô tô. Vụ việc cán bộ lái xe ô tô Audi gây chết 03 người tại Bắc Giang là một ví dụ. Vậy lái xe ô tô khi say xỉn gây tai nạn chết người bị xử lý thế nào ở Việt Nam?
- Điều khiển xe máy gây tai nạn chết người phải chịu những trách nhiệm gì?
- Uống rượu, bia gây tai nạn chết người, xử phạt thế nào?
Lái xe ô tô khi say xỉn gây tai nạn chết người bị xử lý thế nào? (Ảnh minh họa)
1. Lái xe ô tô khi say xỉn bị nghiêm cấm ở Việt Nam
Căn cứ theo Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 (sửa đổi bởi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019) có quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Như quy định nêu trên, thì nghiêm cấm người điều khiển giao thông đường bộ lái xe khi say xỉn ở Việt Nam.
2. Lái xe ô tô khi say xin gây tai nạn chết người bị xử lý thế nào ở Việt Nam?
2.1 Bồi thường thiệt hại khi lái xe ô tô khi say xin gây tai nạn chết người ở Việt Nam
Căn cứ bồi thường thiệt hại: Căn cứ Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.
Theo đó, Điều 601 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm:
- Phương tiện giao thông vận tải cơ giới;
- Hệ thống tải điện;
- Nhà máy công nghiệp đang hoạt động;
- Vũ khí;
- Chất nổ;
- Chất cháy;
- Chất độc, chất phóng xạ;
- Thú dữ;
- Các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Các khoản phải bồi thường: Tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định người gây thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm phải bồi thường các khoản sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần:
+ Nếu thỏa thuận được thì mức bồi thường do các bên thỏa thuận;
+ Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nếu không có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
(Theo Khoản 3 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng/tháng)
2.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự khi lái xe ô tô khi say xin gây tai nạn chết người ở Việt Nam
Theo Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi làm chết người.
- Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm khi làm chết 02 người;
- Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm khi làm chết 03 người trở lên;
Trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015, nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngọc Nhi
- Key word:
- An toàn giao thông