Tôi muốn biết hợp đồng bảo hiểm bao gồm các loại hợp đồng gì? Các hậu quả pháp lý nào có thể xảy ra việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm? - Cường Bảo (Tây Ninh)
Hợp đồng bảo hiểm và 05 điều cần biết (Hình từ Internet)
1. Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019), hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Cụ thể, các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
- Hợp đồng bảo hiểm con người;
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Đối với hợp đồng bảo hiểm hàng hải được áp dụng theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015; đối với những vấn đề mà Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 không quy định thì áp dụng theo quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
(Khoản 2, 3 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019))
2. Hình thức, nội dung của hợp đồng bảo hiểm
2.1. Hình thức hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản.
Trong đó, các bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm là giấy chứng nhận bảo hiểm, đơn bảo hiểm, điện báo, telex, fax và các hình thức khác do pháp luật quy định.
(Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019))
2.2. Nội dung của hợp đồng bảo hiểm
Cụ thể tại khoản 1 Điều 13 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019), hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;
- Đối tượng bảo hiểm;
- Số tiền bảo hiểm, giá trị tài sản được bảo hiểm đối với bảo hiểm tài sản;
- Phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, điều khoản bảo hiểm;
- Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
- Thời hạn bảo hiểm;
- Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
- Thời hạn, phương thức trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường;
- Các quy định giải quyết tranh chấp;
- Ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng.
Ngoài những nội dung trên, hợp đồng bảo hiểm có thể có các nội dung khác do các bên thoả thuận.
3. Các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019), cụ thể như sau:
- Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
- Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
Ngoài các trường hợp chấm dứt hợp đồng theo quy định Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng bảo hiểm còn chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
(1) Bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm;
(2) Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
(3) Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm trong thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
(Điều 23 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019))
5. Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm
Theo Điều 24 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010, 2019), các hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm được quy định như sau:
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại (1), doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm mà bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm, sau khi đã trừ các chi phí hợp lý có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại (2), bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm đến thời điểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.
Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
- Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng bảo hiểm theo quy định tại (3), doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí; bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm con người.
Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trong các trường hợp khác được thực hiện theo quy định Bộ luật dân sự 2015 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thanh Rin
- Key word:
- hợp đồng bảo hiểm