Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (hay còn gọi là chế độ tài sản ước định) là chế định không còn xa lạ trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) của nhiều nước trên thế giới.
Tại Việt Nam, hôn ước đã từng tồn tại. Trong thời kỳ Pháp thuộc, hôn ước được quy định ở Bộ dân luật Bắc kỳ 1931, Dân luật Trung kỳ 1936 và tại miền Nam Việt Nam: hôn ước đã được ghi nhận trong Luật Gia đình năm 1959, Dân luật Nam kỳ năm 1972. Hôn ước được công nhận tại Việt Nam trong thời kỳ nêu trên được giải thích dưới góc độ chịu sự ảnh hưởng chi phối của pháp luật nước Pháp chứ không phải xuất phát dưới góc độ nhu cầu đời sống thực tiễn trong quan hệ tài sản của vợ chồng đặt ra và đòi hỏi giải quyết. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, không có bất cứ quy định nào của pháp luật đề cập đến hôn ước. Luật hôn nhân gia đình năm 1959 chỉ công nhận chế độ tài sản chung của vợ chồng, không thừa nhận tài sản riêng của vợ chồng. Luật hôn nhân gia đình năm 1986 thừa nhận vợ chồng có tài sản chung nhưng bên cạnh đó cũng công nhận vợ chồng có tài sản riêng.
Trên cơ sở tiếp thu và kế thừa các quy định của Luật HN&GĐ năm 1959, năm 1986 Luật HN&GĐ năm 2000 cũng không quy định vấn đề hôn ước. Về chế độ tài sản của vợ chồng, Luật HN & GĐ năm 2000 chỉ công nhận chế độ tài sản theo pháp định, chế độ tài sản này được áp dụng cho mọi quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận. Nhằm khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 nói chung và quy định về chế độ tài sản vợ chồng nói riêng, Luật HN&GĐ năm 2014 trên cơ sở sửa đổi các quy định cũ và bổ sung thêm một số quy định mới. Trong số các điểm mới của Luật HN&GĐ năm 2014, lần đầu tiên chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được chính thức ghi nhận trong pháp luật HN&GĐ của nước ta. Như vậy, theo quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 không còn tồn tại một chế độ tài sản duy nhất được công nhận là chế độ tài sản theo luật định mà hiện nay còn ghi nhận thêm chế độ tài sản theo thỏa thuận. Đây là quy định mang tính đột phá, đổi mới, tạo điều kiện cho vợ chồng tự do thỏa thuận, quyết định và tự định đoạt đối với tài sản của mình trước khi kết hôn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi bên.
1. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng
Mặc dù chế độ tài sản ước định đã được nhiều nước áp dụng trong thực tế, nhưng đến nay vẫn còn có những quan điểm khác nhau liên quan đến loại chế định này. Nhiều ý kiến cho rằng không gì giết chết sự lãng mạn vợ chồng bằng hôn ước. Đối với các cặp đôi thật sự yêu thương nhau, hôn nhân là để gắn bó, chia sẻ mọi thứ quý giá như cuộc sống, thân thể, con cái… chứ không chỉ là tiền bạc. Mặt khác, nếu hai người vô tư đến với nhau không nghĩ ngợi đến hôn ước thì nhiều khả năng cuộc hôn nhân sẽ hạnh phúc và lâu bền hơn. Tuy nhiên, có quan điểm ngược lại khi cho rằng hôn ước hạn chế ly hôn vì nó giúp các cặp vợ chồng vượt qua bất đồng về tài chính ngay từ đầu; nói chuyện tiền bạc trước hôn nhân không phải dễ nhưng lại giúp tránh được rắc rối về sau, đồng thời giúp hạn chế các tổn thương về tài chính và cả cảm xúc mà một cuộc ly hôn (nếu buộc phải xảy ra) mang lại. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cũng khuyên rằng những người có tài sản lớn và lập gia đình lần hai trở đi nên lập hôn ước và một người cần cân nhắc lập hôn ước trước khi kết hôn nếu sở hữu một cơ sở kinh doanh, bất động sản, dự đoán sẽ có một khoản thừa kế trong tương lai, thu nhập cao hơn nhiều so với người kia, có con từ các cuộc hôn nhân trước, có cha mẹ già phải nuôi dưỡng.
Như vậy, việc lựa chọn và xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là quyền của vợ, chồng được pháp luật hôn nhân gia đình ghi nhận tại khoản 1 Điều 28 Luật HN&GĐ năm 2014. Chế độ tài sản vợ chồng luật định không còn là chế độ tài sản duy nhất, đầu tiên được ưu tiên áp dụng cho quan hệ tài sản giữa vợ, chồng mà là giải pháp dự phòng được áp dụng trong trường hợp vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng thỏa thuận này bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của Luật HN&GĐ (Điều 7 Nghị định số 126/2014/NĐ - CP).
1.1. Điều kiện về hình thức
Theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng phải tuân thủ những điều kiện về mặt hình thức. Cụ thể như sau:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. “
Về hình thức, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng là sự thể hiện ý chí, nguyện vọng, quyền lợi cũng như trách nhiệm của vợ, chồng về vấn đề tài sản, do đó thỏa thuận này phải được vợ, chồng lập thành văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực. Thỏa thuận chỉ được lập bằng văn bản và có chữ ký của hai vợ chồng là chưa đủ, vì xét về mặt pháp lý văn bản này được lập trên cơ sở sự thỏa thuận, thỏa thuận này có được thực hiện hay không phụ thuộc vào sự tự nguyện tôn trọng và trách nhiệm của các bên. Nếu các bên không muốn, không thực hiện đúng những nội dung đã thỏa thuận thì không ai có thể ép buộc được họ vì không có cơ sở. Xét về mặt hình thức, nếu không công chứng hoặc chứng thực thì thỏa thuận đó không phù hợp với quy định của pháp luật và bị coi là không có giá trị do sai về hình thức. Do vậy, việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được lập bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền lợi của vợ, chồng cũng như đảm bảo cho vợ, chồng có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã thỏa thuận, hạn chế các tranh chấp xảy ra liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng trong thực tế.
1.2. Điều kiện nội dung
Về nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, theo quy định tại Điều 48 Luật HN&GĐ gồm có những nội dung sau:
“Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm:
a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
d) Nội dung khác có liên quan.
Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định. “
Theo đó, những điều kiện về mặt nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm:
Thứ nhất, xác định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; những tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Trong văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, trước hết vợ, chồng cần xác định rõ những tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên và những tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng. Vì khi xác định được phạm vi các loại tài sản, quyền sở hữu của mỗi bên thì vợ, chồng sẽ thỏa thuận và thống nhất được với nhau các quyền cũng như nghĩa vụ đối với từng loại tài sản.
Hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề xác định tài sản của vợ chồng trong nội dung thỏa thuận, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ – CP đã quy định như sau:
“1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:
a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;
b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;
c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;
d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng. “
Như vậy, khi xác định về trong nội dung thỏa thuận, vợ, chồng có thể xác định theo các nội dung sau: nếu giữa vợ và chồng có tài sản thì tài sản của vợ, chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng; giữa vợ và chồng không có tài sản riêng (tất cả tài sản có được trước và trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung); giữa vợ và chồng không có tài sản chung (tất cả tài sản có được trước và trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản riêng); hoặc được xác định theo thỏa thuận khác của vợ, chồng (ví dụ xác định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là tài sản chung).
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trên cơ sở xác định nội dung về tài sản trong thỏa thuận trước đó vợ và chồng thỏa thuận về các quyền của mỗi bên đối với tài sản chung, tài sản riêng cũng như những nghĩa vụ riêng, nghĩa vụ chung về tài sản hai bên phải gánh chịu và những nhu cầu thiết yếu của gia đình sẽ được đảm bảo bằng tài sản chung hay tài sản riêng. Bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình là nghĩa vụ của vợ, chồng; trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận tài sản bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình là tài sản chung nhưng tài sản chung không đủ thì vợ, chồng cần thỏa thuận việc có đóng góp tài sản riêng của mối bên và đóng góp bao nhiêu vào tài sản chung để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho gia đình.
Thứ ba, điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng được lập trước khi kết hôn và có hiệu lực kể từ ngày vợ, chồng thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo trình tự, điều kiện và quy định của pháp luật. Xuất phát từ nhu cầu của mỗi bên, vợ chồng có thể thỏa thuận các điều kiện được đưa ra khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận và xác định trong những trường hợp nào một bên hoặc cả hai bên vợ chồng có quyền yêu cầu chấm dứt chế độ tài sản này. Khi chấm dứt chế độ tài sản theo thỏa thuận, tài sản sẽ được chia cho vợ chồng theo thủ tục (thỏa thuận hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết) theo thỏa thuận của vợ chồng và nguyên tắc chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản đó. Về nguyên tắc tài sản có thể chia theo cách thức chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân hoặc theo nguyên tắc phân chia khác do hai vợ chồng tự thỏa thuận thống nhất với nhau. Và khi có tranh chấp xảy ra, việc giải quyết tranh chấp được ưu tiên áp dụng theo thỏa thuận của vợ chồng.
Thứ tư, ngoài những nội dung chủ yếu nêu trên, trong nội dung của thỏa thuận vợ, chồng có thể thỏa thuận những nội dung khác (ví dụ như vấn đề cấp dưỡng cho cha, mẹ, con …) liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên.
Về tính hợp pháp của nội dung thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng. Thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng phải phù hợp với quy định của Luật HN&GĐ năm 2014 về nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; quy định về giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của gia đình và các giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng. Các quy định này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn là chế độ tài sản theo thỏa thuận hay chế độ tài sản luật định và nếu trong thoa thuận vi phạm các quy định trên thì người có quyền, lợi ích liên quan đến thỏa thuận đó có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định pháp luật. Là những quy tắc chung được áp dụng cho mọi trường hợp nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của gia đình, quyền lợi chính đáng của các bên liên quan, của vợ, chồng và ổn định trật tự về quan hệ tài sản của vợ chồng trong xã hội; quy định này cũng góp phần ngăn chặn những hạnh vi có mục đích không lành mạnh của vợ, chồng.
Không phải trong mọi trường hợp những nội dung cơ bản đều được vợ, chồng thỏa thuận đầy đủ trong văn bản. Có những vấn đề quan trọng nhưng có thể chưa trải qua thực tế nên vợ chồng không thể dự liệu được, hoặc có những trường hợp vấn đề đã được vợ, chồng thỏa thuận nhưng thỏa thuận này mang tính chung chung, không rõ ràng thì khi giải quyết tranh chấp sẽ không áp dụng theo nội dung trong thỏa thuận mà ưu tiên áp dụng dẫn chiếu các quy định về nguyên tắc chung của chế độ tài sản vợ chồng (các điều 29,30,31,32) và các quy định tương ứng của chế độ tài sản luật định (khoản 2 Điều 48 Luật HN&GĐ năm 2014).
1.3. Thỏa thuận về chế định tài sản vô hiệu
Khoản 1 Điều 50 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan;
b) Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.”
Để làm rõ các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản bị vô hiệu Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014quy định:
“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
a) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
b) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Tòa án quyết định tuyên bố thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình và lưu ý một số trường hợp sau đây:
a) Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm quyền được bảo đảm chỗ ở của vợ, chồng quy định tại Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó cho phép một bên được quyền định đoạt nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng dẫn đến vợ, chồng không có chỗ ở hoặc không bảo đảm chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện sinh hoạt, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật về nhà ở.
b) Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật hôn nhân và gia đình là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật hôn nhân và gia đình hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.
Trong thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, pháp luật đã quy định rõ hình thức, nội dung cũng như điều kiện có hiệu lực của văn bản thỏa thuận. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, nếu được xác lập mới phải được lập trước khi kết hôn, được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn; nếu thỏa thuận được sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung sau khi đã kết hôn thì vợ chồng được sửa đổi, bổ sung trong thời kỳ hôn nhân và thỏa thuận sửa đổi, bổ sung đó có hiệu lực kể từ ngày văn bản thỏa thuận sửa đổi, bổ sung được công chứng hoặc chứng thực.
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng xét về bản chất là một giao dịch dân sự có sự tham gia của hai bên trong giao dịch. Theo quy định của Luật Dân sự, Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Do đó, trong trường hợp thỏa thuận không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005 và các luật khác có liên quan thì thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị coi là vô hiệu, không có giá trị pháp lý.
Bên cạnh đó, khi xây dựng Luật HN&GĐ năm 2014, nhà làm luật đã xây dựng các nguyên tắc áp dụng cho chế độ tài sản của vợ chồng. Đây là những nguyên tắc chủ đạo, mang tính nền tảng và định hướng được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng lựa chọn (chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc chế độ tài sản luật định). Trong trường hợp một số vấn đề trong nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng chưa được thỏa thuận hoặc thỏa thuận chưa rõ ràng sẽ được áp dụng theo các quy định của nguyên tắc này (các điều 29, 30, 31, 32) của Luật HN&GĐ 2014 và các quy định tương ứng của chế độ tài sản luật định. Nguyên tắc này được ưu tiên dẫn chiếu áp dụng trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến vấn đề tài sản của vợ chồng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của vợ, chồng cũng như các thành viên trong gia đình; bảo vệ và củng cố mục tiêu xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc theo tinh thần của Luật HN&GĐ, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nguyện vọng và nhân dân. Chỉ cần thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm một trong các quy định về nguyên tắc chung của chế độ tài sản của vợ chồng thì thỏa thuận đó bị coi là vô hiệu.
Ngoài ra, để bảo vợ quyền, lợi ích chính đáng; quyền được cấp dưỡng, nuôi dưỡng; quyền được thừa kế của cha, mẹ, con và các thành viên khác trong gia đình, khi vợ chồng xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì nội dung của thỏa thuận phải đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng; đảm bảo quyền được hưởng di sản thừa kế của cha, mẹ, con và các thành viên khác trong gia đình.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Những người có quyền cấp dưỡng là những người mà theo quy định của pháp luật có quyền được người khác nuôi dưỡng. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật HN&GĐ.
Pháp luật cũng quy định, Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Theo quy định trên thì bất kỳ người nào cũng có quyền được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật.
Do vậy, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng sẽ bị vô hiệu nếu nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
Với quy định trên, pháp luật tạo điều kiện cho phép vợ chồng tự do thỏa thuận định đoạt tài sản của mình nhưng vẫn phải đảm bảo các nghĩa vụ về tài sản mà vợ chồng phải gánh chịu với người thứ ba và các thành viên trong gia đình. Quy định này cũng góp phần ngăn chặn những thỏa thuận được vợ chồng xác lập nhằm mục đích không lành mạnh, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan; góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng được pháp luật công nhận của cha, mẹ, con và của các thành viên khác trong gia đình.
Ảnh minh họa
2. Cung cấp thông tin về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong giao dịch với người thứ ba
Trong giao dịch với người thứ ba, có những loại tài sản đặc thù không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật như tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán hay động sản do một bên chiếm hữu. Theo quy định của pháp luật trong giao dịch với người thứ ba ngay tình vợ, chồng đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
Việc lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng luật định hoặc thỏa thuận sẽ dẫn đến những quyền cũng như nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng tương ứng với chế độ tài sản đó. Và người thứ ba, khi xác lập, thực hiện giao dịch với vợ, chồng cũng được pháp luật bảo vệ quyền lợi theo cơ chế tài sản hiện tại của vợ chồng.
Trong trường hợp chế độ tài sản áp dụng của vợ chồng là chế độ tài sản luật định, các cơ chế về quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng được quy định rõ trong pháp luật và người thứ ba khi tham gia xác lập, thực hiện giao dịch trong trường hợp này có thể biết rõ tình hình tài chính cũng như phạm vi quyền, nghĩa vụ của mỗi bên đối với tài sản giao dịch, từ đó đưa ra lựa chọn có thể thực hiện hoặc không thực hiện giao dịch với vợ, chồng nếu như thấy bất lợi cho mình.
Trong trường hợp vợ, chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận để áp dụng trong quan hệ tài sản của vợ chồng, khi thực hiện giao dịch với người thứ ba, họ sẽ không thể biết hoặc vẫn lầm tưởng rằng chế độ tài sản của vợ, chồng trong giao dịch với mình là chế độ tài sản luật định, từ đó vẫn lựa chọn thực hiện những giao dịch gây bất lợi cho mình. Do đó, để minh bạch hóa thông tin, khả năng tài chính của vợ, chồng cũng như bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba trong giao dịch với vợ, chồng khi vợ chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận mà xác lập, thực hiện giao dịch với người thứ ba, vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết về những thông tin liên quan (đoạn 1 Điều 16 Nghị định số 126/2014/NĐ – CP). Những thông tin liên quan vợ chồng cần cung cấp cho người thứ ba biết có thể về quyền sở hữu, định đoạt tài sản của vợ; chồng, tài sản riêng, tài sản chung; quyền và nghĩa vụ của mỗi bên đối với tài sản chung cũng như thẩm quyền xác lập giao dịch với người thứ ba của vợ, chồng… Cung cấp thông tin liên quan cho người thứ ba trong giao dịch với vợ, chồng biết được pháp luật quy định là nghĩa vụ của vợ, chồng; nếu vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba được coi là ngay tình và vẫn được bảo vệ quyền lợi theo quy định của BLDS.
Trong giao dịch dân sự, người thứ ba ngay tình được hiểu là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật. Theo quy định tại Điều 138 BLDS thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ trong hai trường hợp. Thứ nhất, khi giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp chủ sở hữu đòi lại tài sản theo quy định của pháp luật. Thứ hai, khi người thứ ba ngay tình nhận được bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Như vậy, đối với trường hợp vợ, chồng lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì khi giao dịch với người thứ ba, vợ, chồng có nghĩa vụ cung cấp các thông tin liên quan cho người thứ ba biết. Trong trường hợp người thứ ba không biết, vẫn xác lập giao dịch, giao dịch bị vô hiệu vì bất kỳ lý do gì do vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật thì quyền lợi của người thứ ba ngay tình vẫn được pháp luật ưu tiên bảo vệ.
3. Sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Khi cho phép vợ chồng thỏa thuận xác lập hôn ước về chế độ tài sản cho riêng họ, Luật cũng đặt ra các quy định về nghĩa vụ cụ thể của các bên vợ, chồng trong việc bảo đảm lợi ích chung của gia đình. Chế độ tài sản của vợ chồng bao gồm không chỉ những quan hệ về tài sản giữa vợ và chồng đối với nhau mà còn cả các quan hệ về tài sản giữa vợ chồng với người thứ ba. Vì thế, bên cạnh việc cho phép xác lập hôn ước về chế độ tài của vợ chồng, pháp luật cũng cho phép vợ, chồng sửa đổi nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản.
Khoản 1 Điều 49 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định rõ: “Vợ, chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản”. Thỏa thuận hôn ước xác lập chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn, chỉ có hiệu lực từ thời điểm kết hôn và mang tính ổn định cao. Tuy nhiên xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của vợ chồng, thỏa thuận hôn ước ra đời nhằm ảm bảo quyền định đoạt của vợ vợ chồng đối với tài sản cho nên pháp luật cho phép vợ, chồng sửa đổi, bổ sung thỏa thuận phù hợp với ý chí, nguyện vọng của mình và các quy định của pháp luật.
Về thời điểm thực hiện việc sửa đổi, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản luật định. Mặc dù thỏa thuận hôn ước mang tính ổn định cao, nhưng pháp luật vẫn cho phép vợ chồng được sửa đổi kể cả khi vợ chồng đã kết hôn nhằm đảm bảo quyền lợi liên quan đến tài sản của vợ chồng, đảm bảo quyền tự do thỏa thuận của vợ chồng được pháp luật bảo vệ.
Về hình thức, việc sửa đổi, bổ sung thỏa thuận cũng như việc xác lập mới nội dung thỏa không chỉ liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của vợ, chồng mà còn liên quan đến quyền lợi của người thứ ba. Do đó, khi sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng cũng phải tuân theo hình thức chặt chẽ, phải được lập bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Về thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng, không giống như thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng là có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn mà không phải từ ngày công chứng hoặc chứng thực; thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Trong thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng các nội dung được sửa đổi hoặc bổ sung thêm có thể được vợ chồng cùng nhau tiến hành sửa đổi, bổ sung trước sau đó mới mang đi công chứng hoặc chứng thực và ngày có hiệu lực của thỏa thuận sửa đổi, bổ sung không phải là ngày hai vợ chồng lập văn bản thỏa thuận sửa đổi, bổ dung mà là ngày văn bản đó được cơ quan có thẩm quyền công chứng hoặc chứng thực theo đúng thủ tục pháp luật quy định. Thời điểm phát sinh hiệu lực của thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng không phụ thuộc vào thời điểm vợ, chồng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung mà được tính kể từ thời điểm thỏa thuận sửa đổi, bổ sung đó được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Về hậu quả pháp lý của việc sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng, việc sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng không làm chấm dứt thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng mà chỉ làm thay đổi một số nội dung theo thỏa thuận của vợ chồng trước đó. Cũng giống như khi xác lập mới thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng, trong trường hợp vợ chồng có xác lập giao dịch với người thứ ba thì khi vợ, chồng sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận vợ, chồng vẫn phải đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cung cấp cho người thứ ba biết những thông tin liên quan; nếu vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ này thì quyền lợi của người thứ ba vẫn được pháp luật bảo vệ theo quy định của BLDS.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng vợ, chồng lợi dụng việc sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự, sau khi thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng được sửa đổi, bổ sung thì các quyền, nghĩa vụ về tài sản phát sinh trước thời điểm việc sửa đổi, bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, dù thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng được xác lập mới hay được sửa đổi, bổ sung thì nó cũng chỉ làm thay đổi các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng đối với tài sản của vợ, chồng theo thỏa thuận mà không làm thay đổi quyền cũng như các nghĩa vụ về tài sản của vợ, chồng đối với bên thứ ba có liên quan.
Luật sư Hoàng Thị Khánh Linh
- Từ khóa:
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014