Nhà nước rất khuyến khích và luôn tạo cơ hội cho các bên tranh chấp có thể tự hòa phải, hòa giải tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thay vì khởi kiện ra Tòa án. Vậy, có những trường hợp nào hòa giải là thủ tục bắt buộc trước khi tiến hành khởi kiện?
- 04 trường hợp vợ chồng ly hôn không cần thực hiện thủ tục hòa giải
- Ly hôn giả tạo để trốn nợ sẽ bị xử lý như thế nào?
Những trường hợp bắt buộc phải thông qua hòa giải khi giải quyết tranh chấp (Ảnh minh họa)
1. Hòa giải trong tranh chấp lao động
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động của Bộ luật Lao động 2019 tiếp tục ghi nhận việc coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải.
Bộ luật Lao động 2019 quy định tranh chấp lao động bao gồm:
- Tranh chấp lao động cá nhân; và
- Tranh chấp lao động tập thể:
-
Tranh chấp lao động tập thể về quyền; và
-
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Trong đó, các loại tranh chấp sau đây bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải:
(1) Tranh chấp lao động cá nhân
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
-
Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
-
Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
-
Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
-
Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
-
Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
-
Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
(2) Tranh chấp lao động tập thể về quyền
Theo khoản 2 Điều 191 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
(3) Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Theo đó, tại khoản 2 Điều 195 Bộ luật Lao động 2019 quy định tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công.
=> Tất cả các loại tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc lợi ích đều phải thông qua thủ tục hòa giải trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài hay Tòa án giải quyết. Điều này là để phù hợp với nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động của Bộ luật Lao động 2019.
2. Hòa giải trong tranh chấp đất đai
Theo quy định tại khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai 2013, nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
Đối với những tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không tự hòa giải được thì sẽ gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Với việc quy định cụm từ "Nhà nước khuyến khích" thì vẫn chưa rõ thủ tục hòa giải có bắt buộc đối với mọi tranh chấp đất đai hay không. Về vấn đề này, tiếp tục căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP như sau:
2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chỉ những tranh chấp đất đai về việc ai là người có quyền sử dụng đất mới bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải, còn những tranh chấp khác như tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,...thì không bắt buộc phải hòa giải trước khi tiến hành khởi kiện.
3. Hòa giải trong thủ tục ly hôn
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn có thể tiến hành hòa giải ít nhất 2 lần trước khi Tòa án giải quyết thủ tục ly hôn. Cụ thể:
- Hòa giải tại cơ sở:
Theo quy định tại Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Việc hòa giải tại cơ sở là cơ hội để các cặp vợ/chồng giải quyết mâu thuẩn được nhà nước khuyến khích chứ không bắt buộc.
- Hòa giải tại Tòa án:
Theo đó, tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Khác với thủ tục hòa giải tại cơ sở, hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc phải tiến hành trước khi giải quyết thủ tục ly hôn.
Ngoại lệ:
Dù thủ tục hòa giải tại Tòa án là bắt buộc nhưng theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong 04 trường hợp sau Tòa án không thể tiến hành hòa giải được:
-
Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt;
-
Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng;
-
Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự;
-
Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Như vậy, khi tiến hành giải quyết yêu cầu ly hôn, vợ/chồng sẽ được tạo điều kiện tiến hành hỏa giải ít nhất 2 lần: 1 lần tại cơ sở và 1 lần tại Tòa án. Có thể thấy, Nhà nước không khuyến khích ly hôn mà tạo điều kiện và cơ hội để các cặp vợ/chồng có yêu cầu ly hôn tiến hành hòa giải, tự giải quyết những mâu thuẫn với nhau trước khi giải quyết thủ tục ly hôn.
Thùy Trâm