Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 17/02/2025 - 23/02/2025)

Văn bản nổi bật tuần vừa qua (từ ngày 17/02/2025 - 23/02/2025)
Quốc Trình

Sửa đổi cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội từ ngày 17/02/2025, cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, triển khai thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 của Tòa án nhân dân tối cao… là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 17/02 - 23/02/2025.

1. Sửa đổi cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội từ ngày 17/02/2025

Ngày 16/02/2025, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2025.

Theo đó, tại khoản 11 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2025 (sửa đổi Điều 67 Luật Tổ Chức Quốc Hội 2014) quy định về cơ cấu tổ chức của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như sau:

- Hội đồng dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội đồng dân tộc và Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Hội đồng dân tộc. Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban và Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm của Ủy ban.

- Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội do Quốc hội bầu. Các Phó Chủ tịch và các Ủy viên của Hội đồng dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

- Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội là bộ phận thường trực, làm việc thường xuyên giúp Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội giải quyết các công việc của Hội đồng, Ủy ban trong thời gian Hội đồng, Ủy ban không họp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định và phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội.

- Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có đơn vị chuyên môn, trực tiếp tham mưu, giúp việc Hội đồng, Ủy ban.

- Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc mẫu của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị chuyên môn của Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quyết định biên chế và quy định chế độ, chính sách áp dụng đối với đội ngũ công chức giúp việc cho Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phù hợp với tính chất đặc thù trong hoạt động của Quốc hội.

Xem thêm Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội 2025 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/02/2025.

2. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Ngày 18/02/2025, Quốc hội thông qua Nghị quyết 177/2025/QH15 của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Tại Nghị quyết 177/2025/QH15 quy định cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 25 thành viên, gồm:

-  Thủ tướng Chính phủ;

- 07 Phó Thủ tướng Chính phủ;

- 14 Bộ trưởng các Bộ: 

+ Bộ trưởng Quốc phòng

+ Bộ trưởng Công an

+ Bộ trưởng Nội vụ

+ Bộ trưởng Ngoại giao

+ Bộ trưởng Tư pháp 

+ Bộ trưởng Tài chính

+ Bộ trưởng Công Thương 

+ Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường 

+ Bộ trưởng Xây dựng

+ Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ 

+ Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch 

+ Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo 

+ Bộ trưởng Y tế 

Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo 

- 03 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ:

+ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

+ Tổng Thanh tra Chính phủ; 

+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Đồng thời, tại Nghị quyết 176/2025/QH15 ngày 18/02/2025 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng quy định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 Bộ và 03 cơ quan ngang Bộ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 01/3/2025.

Xem thêm Nghị quyết 177/2025/QH15 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/02/2025.

3. Triển khai thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 của Tòa án nhân dân tối cao

Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị 01/2025/CT-CA ngày 17/02/2025 về triển khai thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.

Để bảo đảm cho việc thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 (được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026) được kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây: 

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý các quy định của Luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. 

Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị để có biện pháp, hình thức triển khai phù hợp. Khẩn trương xây dựng, phát hành tài liệu tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật, nhất là các quy định mới và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. 

Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm việc thi hành Luật thực chất, hiệu quả.

- Tập trung rà soát các nội dung được quy định chi tiết trong Luật và các quy định khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền. 

Tăng cường phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản không còn phù hợp với quy định của Luật; xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên thống nhất, đồng bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. 

- Căn cứ vào tình hình thực tế tại Tòa án, đơn vị mình đề xuất bố trí trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc, nguồn kinh phí và đặc biệt là phòng xử án thân thiện bảo đảm thống nhất, phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật. 

Khẩn trương xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và công chức giữ chức danh tư pháp trong Tòa án. 

- Kể từ ngày Luật được công bố (ngày 02/12/2024), các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân tối cao phải thực hiện đúng quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người chưa thành niên phạm tội quy định tại khoản 2, 5 và 6 Điều 179 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

Tổ chức xét xử hiệu quả, đúng pháp luật vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên theo quy định của Luật. 

- Căn cứ Chỉ thị 01/2025/CT-CA ngày 17/02/2025, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn của đơn vị và quy định của Luật. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh, kiến nghị về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời.

Xem thêm tại Chỉ thị 01/2025/CT-CA ban hành ngày 17/02/2025.

4. Nguyên tắc xử lý một số vấn đề khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước

Ngày 19/02/2025, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Theo đó, tại Điều 2 Nghị quyết 190/2025/QH15 quy định nguyên tắc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước như sau:

- Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

- Bảo đảm không làm gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Bảo đảm quyền con người, quyền công dân; bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Xem thêm nội dung tại Nghị quyết 190/2025/QH15 có hiệu lực từ ngày 19/02/2025.

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;