Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ cuối tháng 10/2021 (từ ngày 21 – 31/10/2021) sau đây:
1. Hồ sơ thành lập và đưa trạm khí tượng thủy văn hoạt động chính thức
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 13/2021/TT-BTNMT quy định việc thành lập, di chuyển, giải thể trạm khí tượng thủy văn quốc gia, chính thức có hiệu lực từ ngày 21/10/2021.
Theo đó, hồ sơ thành lập trạm khí tượng thủy văn gồm có:
- Tờ trình của cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;
- Quyết định phê duyệt báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm và báo cáo khảo sát kỹ thuật thành lập trạm;
- Văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân về địa điểm, diện tích sử dụng đất để xây dựng công trình chuyên môn, nhà trạm, lắp đặt thiết bị, phương tiện đo;
- Bản sao Quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc chủ trương thành lập trạm của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, hồ sơ đưa trạm vào hoạt động chính thức gồm:
- Tờ trình của cơ quan, đơn vị thực hiện dự án;
- Bản sao Quyết định thành lập trạm;
- Quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền hoặc bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có); Giấy xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức, cá nhân đối với các diện tích đất thuê, đất không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Biên bản nghiệm thu công trình, thiết bị, phương tiện đo;
- Bản sao Quyết định phê duyệt đề án duy trì hoạt động;
- Bản sao chứng từ kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo khí tượng thủy văn, tài liệu kỹ thuật; hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đo;
- Báo cáo đánh giá kết quả vận hành thử nghiệm, quan trắc kiểm tra theo Mẫu số 2, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 13/2021;
- Ý kiến bằng văn bản của cơ quan chuyên môn trực thuộc Tổng cục Khí tượng Thủy văn.
Lưu ý: Đối với những trạm đã nộp hồ sơ đề nghị thực hiện thành lập trước ngày 21/10/2021 thì tiếp tục thực hiện theo Quyết định 03/2006/QĐ-BTNMT.
2. Hướng dẫn đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên
Thông tư 25/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định 89/QĐ-TTg, có hiệu lực từ ngày 24/10/2021.
Theo đó, quy định về trình độ và ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho giảng viên bao gồm:
- Đào tạo trình độ tiến sĩ tất cả các ngành;
Ưu tiên những ngành được xác định cần tập trung đào tạo trong chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của Việt Nam ở từng thời điểm cho đến năm 2030 và trong giai đoạn tiếp theo;
- Đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.
Bên cạnh đó, hình thức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho giảng viên gồm có:
- Đào tạo tập trung toàn thời gian trong nước;
- Đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài;
- Liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ một phần thời gian học tập trung trong nước và một phần thời gian học tập trung ở nước ngoài, trong đó thời gian đào tạo ở nước ngoài tối đa không quá 02 năm (nội dung mới bổ sung).
3. Bắt buộc thi đánh giá năng lực ngoại ngữ trên máy tính từ 01/7/2023
Đây là nội dung mới nổi bật tại Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 24/10/2021.
Cụ thể, Thông tư 24/2021 quy định từ ngày 01/7/2023, tất cả các kỹ năng đều được tổ chức thi trên máy vi tính.
Hiện hành, các kỹ năng nghe, đọc, viết được tổ chức thi trên giấy hoặc trên máy vi tính.
Bên cạnh đó, số lượng câu hỏi thi và đề thi cũng có những thay đổi từ ngày 01/7/2022, cụ thể:
- Từ ngày 01/7/2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông: Đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 50 đề thi, đối với mỗi môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;
- Từ ngày 01/7/2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho các đối tượng khác: Đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 70 đề thi, đối với mỗi môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;
Hằng năm, các đơn vị phải thực hiện rà soát, điều chỉnh ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung tối thiểu 10% số lượng câu hỏi đối với từng kỹ năng...
4. Mức chi thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ
Thông tư 75/2021/TT-BTC quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, có hiệu lực từ ngày 25/10/2021.
Theo đó, quy định nội dung và mức chi đối với nhiệm vụ thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước như sau:
- Đối với đăng ký bảo hộ trong nước:
+ Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới: 30 triệu đồng/đơn;
+ Đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu: 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ.
(Hiện hành Thông tư 14/2019/TT-BTC không có quy định đối với nhãn hiệu).
- Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng nêu trên: 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn.
- Đối với nhiệm vụ do các Bộ, cơ quan trung ương quản lý, mức kinh phí nêu trên là mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước, trong trường hợp phát sinh thêm các chi phí khác (nếu có), các đơn vị tham gia Chương trình tự đảm bảo;
Xem thêm tại Thông tư 75/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25/10/2021.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |