Trong tuần vừa qua (từ ngày 13/9 – 18/9/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản nổi bật sau đây:
1. Nội dung, chương trình tập huấn chuyên môn thể thao áp dụng từ 01/12/2021
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 07/2021/TT-BVHTTDL quy định về tập huấn chuyên môn thể thao đối với người hướng dẫn tập luyện thể thao.
Theo đó, nội dung tập huấn chuyên môn thể thao bao gồm:
- Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Thể dục thể thao; kiến thức cơ bản của pháp luật có liên quan đến môn thể thao tập huấn;
- Các nguyên tắc huấn luyện thể thao;
- Các kỹ thuật cơ bản của môn thể thao;
- Luật thi đấu, các phương pháp huấn luyện và tổ chức thi đấu của môn thể thao;
- Những kiến thức cơ bản về bảo đảm an toàn, vệ sinh, chăm sóc y tế, dinh dưỡng cho người tham gia tập luyện môn thể thao;
- Phương pháp cứu hộ (đối với các hoạt động thể thao dưới nước, hoạt động thể thao mạo hiểm);
- Các nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả tập huấn.
Về chương trình tập huấn: Tổng cục Thể dục thể thao xây dựng chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện của từng môn thể thao và yêu cầu về trình độ chuyên môn đối với giảng viên trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định.
Lưu ý: Các quy định về Chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện thể thao đã được ban hành trước ngày 01/12/2021 sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi Chương trình tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện thể thao đối với từng môn thể thao được ban hành theo quy định trên.
Thông tư 07/2021/TT-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 01/12/2021.
2. Hướng dẫn xác định chi phí quản lý bảo trì đối với CSH công trình
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.
Theo đó, chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu (CSH) hoặc người quản lý, sử dụng công trình xác định như sau:
- Đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng thì xác định bằng: 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình và chi phí khác quy định tương ứng tại khoản 1, 2, 6 và 7 Điều 3 Thông tư 14/2021.
- Đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên có yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình thì xác định bằng 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình và chi phí khác quy định tương ứng tại khoản 1, 6 và 7 Điều 3 Thông tư 14/2021.
Thông tư 14/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
3. Yêu cầu mới về ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực ngoại ngữ
Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Theo quy định mới, ngân hàng câu hỏi thi được quản lý bằng phần mềm bảo đảm các yêu cầu bảo mật, phân quyền trong sử dụng và phải đáp ứng yêu cầu sau:
- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở, học sinh trung học phổ thông: Đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 50 đề thi, đối với mỗi môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;
- Từ ngày 01 tháng 7 năm 2022, số lượng đề thi tương đương nhau tại một thời điểm đối với định dạng đề thi dành cho các đối tượng khác: Đối với môn Tiếng Anh phải có ít nhất 70 đề thi, đối với mỗi môn Ngoại ngữ khác phải có ít nhất 30 đề thi; trong đó số lượng các câu hỏi thi trùng nhau giữa các đề thi không quá 10%;
- Hằng năm, các đơn vị phải thực hiện rà soát, điều chỉnh ngân hàng câu hỏi thi và bổ sung tối thiểu 10% số lượng câu hỏi đối với từng kỹ năng;
- Các đơn vị có thể phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam với các tổ chức có chức năng khảo thí đã có ngân hàng câu hỏi thi, đề thi được xây dựng, quản lý đáp ứng các quy định của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ ban hành kèm Thông tư 24/2021; bảo đảm phân công rõ nghĩa vụ, quyền hạn của các bên phối hợp và báo cáo Bộ GDĐT (qua Cục Quản lý chất lượng) trước khi triển khai tổ chức thi.
Lưu ý: Số lượng câu hỏi thi và đề thi đối với mỗi định dạng đề thi tại một thời điểm theo Quy chế hiện hành ban hành kèm theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.
Thông tư 24/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 24/10/2021.
4. 17 trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19 được cấp nhanh số lưu hành
Thông tư 13/2021/TT-BYT quy định về cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách.
Theo đó, quy định danh mục gồm 17 trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 được cấp nhanh số lưu hành, cụ thể:
- Máy tách chiết;
- Máy PCR;
- Hóa chất (sinh phẩm) chạy máy PCR xét nghiệm SARS-CoV-2;
- Test kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên/ kháng thể kháng SARS-CoV-2;
- Máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập và không xâm nhập, máy thở không xâm nhập, máy oxy dòng cao, máy thở xách tay;
- Máy lọc máu liên tục;
- Máy X-Quang di động;
- Máy siêu âm Doppler màu ≥ 3 đầu dò;
- Máy đo khí máu (đo được điện giải, lactat, hematocrite);
- Máy theo dõi bệnh nhân ≥ 5 thông số;
- Bơm tiêm điện;
- Máy truyền dịch;
- Máy phá rung tim có tạo nhịp;
- Máy điện tim ≥ 6 kênh;
- Máy siêu âm xách tay;
- Máy đo thời gian đông máu;
- Máy đo huyết động.
Thông tư 13/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 16/9/2021 đến hết ngày 31/12/2022.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |