Trong tuần vừa qua (từ ngày 20/9 – 25/9/2021), Thư Ký Luật đã cập nhật được một số văn bản nổi bật sau đây:
1. Hướng dẫn đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 25/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, trình độ thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học theo Quyết định 89/QĐ-TTg.
Theo đó, quy định về trình độ và ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho giảng viên bao gồm:
- Đào tạo trình độ tiến sĩ tất cả các ngành;
Ưu tiên những ngành được xác định cần tập trung đào tạo trong chiến lược phát triển nhân lực trình độ cao của Việt Nam ở từng thời điểm cho đến năm 2030 và trong giai đoạn tiếp theo;
- Đào tạo trình độ thạc sĩ các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.
Bên cạnh đó, hình thức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho giảng viên gồm có:
- Đào tạo tập trung toàn thời gian trong nước;
- Đào tạo tập trung toàn thời gian ở nước ngoài;
- Liên kết đào tạo trình độ tiến sĩ một phần thời gian học tập trung trong nước và một phần thời gian học tập trung ở nước ngoài, trong đó thời gian đào tạo ở nước ngoài tối đa không quá 02 năm (nội dung mới bổ sung).
Thông tư 25/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 24/10/2021.
2. Hướng dẫn mức chi chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội
Thông tư 76/2021/TT-BTC hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 20/2021/NĐ-CP về kinh phí chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên.
Theo đó, nội dung và mức chi chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:
- Tiền thuốc chữa bệnh thông thường: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ thực tế phát sinh, tối đa không quá 100.000 đồng/người/tháng;
- Vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng; tiền vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh để và các đồ dùng, vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày: Căn cứ định mức quy định tại Thông tư 02/2018/TT-LĐTBXH, Thủ trưởng cơ sở trợ giúp xã hội quyết định mức chi theo giá thực tế tại địa phương;
- Đồ dùng học tập, sách giáo khoa đối với đối tượng đang đi học: nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh THCS tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
Các khoản chi phí khác (nếu có): Mức chi hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và Thủ trưởng cơ sở quyết định trong phạm vi dự toán được giao.
Thông tư 76/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
3. Tổng biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2022
Quyết định 1575/QĐ-TTg phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước năm 2022.
Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2022 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, Cơ quan Đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước và biên chế công chức dự phòng là 256.685 biên chế. Cụ thể như sau:
(1) Biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước là 247.722 biên chế, trong đó:
- Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập là 106.890 biên chế.
- Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện 140.832 biên chế.
(2) Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài là 1.068 biên chế.
(3) Tổng biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là 686 biên chế.
(4) Biên chế công chức để chuyển công chức phường tại các phường không tổ chức Hội đồng nhân dân thành công chức quận ở thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng là 7.035 biên chế.
(5) Biên chế công chức dự phòng là 174 biên chế.
Quyết định 1575/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 22/9/2021.
4. Hướng dẫn tính tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn 06-HD/BTCTW về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Theo đó, thống nhất lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP để làm căn cứ xác định điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Thời điểm tính và cách tính tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử như sau:
- Thời điểm tính: Là thời điểm cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ có thẩm quyền (Ban Tổ chức Trung ương đối với trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; ban tổ chức tỉnh ủy, thành ủy, vụ tổ chức cán bộ...đối với trường hợp không thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý) nhận được tờ trình và hồ sơ nhân sự theo quy định.
- Cách tính: Lấy tuổi nghỉ hưu thực tế của cán bộ trừ đi tuổi của cán bộ tại thời điểm được đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lần đầu vào vị trí lãnh đạo, quản lý nếu còn đủ 5 năm trở lên thì đủ điều kiện về tuổi bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (chức vụ có thời hạn bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử là 5 năm).
Tuổi bổ nhiệm đối với cán bộ trong lực lượng vũ trang thực hiện theo Luật sĩ quan QĐND Việt Nam và Luật CAND.
Hướng dẫn 06-HD/BTCTW ban hành ngày 26/7/2021.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |