Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu đến quý khách hàng các chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 11/2021 (từ ngày 01/11 – 10/11/2021) sau đây:
1. Hướng dẫn về thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa
Thông tư 71/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa chưa truy thu theo Nghị quyết 63/NQ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Theo đó, cơ sở thực hiện xã hội hóa (gọi tắt là Cơ sở) thành lập trước ngày 22/07/2016, có thu nhập từ hoạt động xã hội hóa, có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế TNDN như sau:
(1) Cơ sở thực hiện xã hội hóa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ, cụ thể:
- Theo quy định của pháp luật thuế TNDN kể từ khi đáp ứng được các điều kiện theo Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008.
- Theo quy định của pháp luật thuế TNDN kể từ khi đáp ứng được các điều kiện theo Quyết định 693/QĐ-TTg ngày 06/5/2013.
- Theo quy định của pháp luật thuế TNDN kể từ khi đáp ứng được các điều kiện theo Quyết định 1470/QĐ-TTg ngày 22/7/2016.
(2) Cơ sở không đáp ứng các điều kiện theo quy định tại các Quyết định trên thực hiện kê khai bổ sung số thuế TNDN còn thiếu (nếu có), tự tính số thuế TNDN phải nộp hoặc cơ quan thuế thực hiện truy thu đến thời điểm đáp ứng điều kiện tại các Quyết định nêu trên.
(3) Cơ sở có thuế TNDN phát sinh tại mục (2) không bị phạt vi phạm pháp luật về thuế và không tính tiền chậm nộp tính trên số tiền TNDN tạm thời chưa truy thu cho đến 01/11/2021.
Từ ngày 02/11/2021, Cơ sở chưa nộp số thuế TNDN tạm thời chưa thu thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế chưa nộp và xử phạt vi phạm pháp luật về thuế (nếu có).
2. Giảm thuế giá trị gia tăng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ từ 01/11/2021
Đây là nội dung tại Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo đó, kể từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với đối với các hàng hóa, dịch vụ sau đây:
(1) Dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quàng bá và tồ chức tua du lịch;
(2) Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
Lưu ý: Hàng hóa, dịch vụ trong nhóm (2) không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.
Tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế GTGT được áp dụng như sau:
- Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT;
- Doanh nghiệp, tố chức tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.
Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 19/10/2021.
3. Mức chi chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội
Đây là nội dung tại Thông tư 76/2021/TT-BTC hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định 20/2021/NĐ-CP về kinh phí chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên, có hiệu lực từ ngày 01/11/2021.
Cụ thể, nội dung và mức chi chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội quy định tại khoản 4 Điều 25 Nghị định 20/2021/NĐ-CP như sau:
- Tiền thuốc chữa bệnh thông thường: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ thực tế phát sinh, tối đa không quá 100.000 đồng/người/tháng;
- Vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng; tiền vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh để và các đồ dùng, vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày: Căn cứ định mức quy định tại Thông tư 02/2018/TT-LĐTBXH, Thủ trưởng cơ sở trợ giúp xã hội quyết định mức chi theo giá thực tế tại địa phương;
- Đồ dùng học tập, sách giáo khoa đối với đối tượng đang đi học: nội dung và mức chi áp dụng theo quy định về hỗ trợ học phẩm cho học sinh THCS tại khoản 6 Điều 2 Thông tư liên tịch 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT.
Các khoản chi phí khác (nếu có): Mức chi hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và Thủ trưởng cơ sở quyết định trong phạm vi dự toán được giao.
4. Hướng dẫn xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa hạng III
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 14/2021/TT-BYT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức khúc xạ nhãn khoa.
Cụ thể, việc xếp lương chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa (hạng III), mã số V.08.11.30 được quy định như sau:
- Chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa hạng III được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP;
Được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp khúc xạ nhãn khoa quy định tại Thông tư 14/2021: được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV và theo quy định hiện hành của pháp luật.
Thông tư 14/2021/TT-BYT có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2021.
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |