Lao động là hoạt động quan trọng nhất của con người, tạo ra của cải vật chất và các giá trị tinh thần của xã hội. Pháp luật lao động quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và của người sử dụng lao động, các tiêu chuẩn lao động, các nguyên tắc sử dụng và quản lý lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, vì vậy có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội và trong hệ thống pháp luật của quốc gia.
- Từ năm 2021, có thêm tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp
- NLĐ có thể nghỉ việc mà không báo trước theo Bộ luật lao động 2019
- Chấp nhận hình thức hợp đồng lao động điện tử từ 01/01/2021
- Tổng hợp Bộ luật Lao động của Việt Nam qua các thời kỳ
Ảnh minh họa
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019 (CHÍNH THỨC)
Kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, Bộ Luật Lao động đã thể chế hoá đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 về lao động, về sử dụng và quản lý lao động. Từ năm 1994 đến nay, trải qua 25 năm, Bộ luật lao động Việt Nam qua các thời kì đã không ngừng phát triển và tiến tới hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động.
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 1994
Bộ luật lao động 1994 được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 23/6/1994, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995, trên cơ sở kế thừa và phát triển pháp luật lao động của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Đây là lần đầu tiên nước ta có Bộ luật lao động hoàn chỉnh để thể chế hoá quan điểm, đường lối đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992 về các quyền cơ bản của con người trong lĩnh vực lao động, sử dụng và quản lý lao động.
Bộ luật lao động 1994 gồm Lời nói đầu, 17 chương và 198 điều. Đây là văn bản pháp luật về lao động có giá trị pháp luật cao nhất từ trước đến nay, có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm quan hệ lao động (QHLĐ) và các quan hệ liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động. Qua các lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006 , đã lên tới 223 Điều, được bố cục trong 17 Chương, Bộ Luật lao động 1994 đã điều chỉnh các quan hệ lao động và các quan hệ xã hội có liên quan trực tiếp với quan hệ lao động phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước qua từng thời kỳ và góp phần từng bước hội nhập quốc tế. Các quy định của Bộ Luật lao động đã đề cập tương đối đầy đủ các nội dung liên quan đến việc tuyển dụng, quản lý và quá trình sử dụng lao động; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong lĩnh vực lao động; xác định quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, đại diện người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tuy nhiên, Bộ Luật lao động 1994 được sửa đổi, bổ sung 2002 và 2006 vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại trong chính sách, pháp luật lao động và thực tiễn liên quan đến quan hệ lao động, cần phải được tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2012
Sau hơn 10 năm thi hành, Bộ luật lao động 1994 cơ bản đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể thiết lập quan hệ lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, điều chỉnh hợp lý quan hệ lao động và các quan hệ xã hội khác có liên quan mật thiết đến quan hệ lao động, phù hợp với yêu cầu thực tiễn như: hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, tranh chấp lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, đình công…
Tuy nhiên qua thời gian, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của thị trường lao động, quan hệ lao động nói riêng đã có những đổi mới đòi hỏi Bộ luật lao động cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Bộ Luật lao động 2012 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ 01/5/2013, gồm có 17 chương và 242 điều. Từ khi ra đời đến nay, Bộ Luật lao động 2012 đã khắc phục được nhiều điểm hạn chế của Bộ Luật lao động 1994. Tuy nhiên, sau hơn 05 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ luật lao động đã và đang bộc lộ nhiều bất cập gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, cũng như làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động,
Đơn cử như quy định 02 điều kiện NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Điều 37 Bộ Luật lao động 2012. Quá trình tổng kết thi hành BLLĐ cho thấy, việc đưa ra 2 điều kiện nêu trên sẽ gây khó khăn cho người lao động, nhất là các trường hợp mà người lao động căn cứ vào đó thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Trong một số trường hợp, người lao động rất khó để chứng minh việc mình bị ngược đãi, cưỡng bức lao động; không được bố trí theo đúng công việc… Vì vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp này thường khó khăn. Do đó, cần sửa đổi BLLĐ theo hướng chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước để người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Việc bãi bỏ quy định này để đảm bảo quyền lợi được lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng, chống cưỡng bức lao động, bất cứ khi nào người lao động cho rằng người sử dụng lao động có hành vi cưỡng bức lao động hoặc cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt hơn thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần có lý do. Người lao động chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để doanh nghiệp chủ động tìm kiếm lao động thay thế.
BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2019
Trải qua hơn 05 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Bộ luật lao động 2012 đã và đang bộc lộ nhiều bất cập gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, cũng như làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động,
Do đó, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật lao động 2019 với 90,06% đại biểu Quốc hội tán thành. Bộ Luật lao động 2019 ra đời nhằm bổ sung những quy định còn thiếu sót của Bộ Luật lao động 2012 cũng như để kịp thời cập nhật tình hình phát triển sôi động của đất nước.
Bộ Luật lao động 2019 ra đời có rất nhiều điểm mới đáng chú ý. Đơn cử trong số đó là tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60, tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62.
Cụ thể, theo Điều 169 Bộ luật lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Như vậy, từ năm 2021, cứ mỗi năm tuổi nghỉ hưu sẽ tăng thêm 03 tháng đối với giáo viên nam và 04 tháng đối với giáo viên nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Ngoài ra, cũng theo Bộ luật Lao động 2019, từ ngày 01/01/2021, NLĐ và NSDLĐ chỉ được giao kết một trong hai loại HĐLĐ là HĐLĐ xác định thời hạn và HĐLĐ không xác định thời hạn (Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ HĐLĐ thời vụ so với quy định hiện nay).
Toàn Trung