Một luật sư được bào chữa cho tối đa bao nhiêu người trong cùng một vụ án?

Xin hỏi một luật sư được bào chữa cho tối đa bao nhiêu người trong cùng một vụ án hình sự? - Thanh Trang (Kiên Giang)

Một luật sư được bào chữa cho tối đa bao nhiêu người trong cùng một vụ án? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Một luật sư được bào chữa cho tối đa bao nhiêu người trong cùng một vụ án?

Theo khoản 5 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

Một người bào chữa có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau.

Nhiều người bào chữa có thể bào chữa cho một người bị buộc tội.

Mà khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người bào chữa có thể là:

- Luật sư;

- Người đại diện của người bị buộc tội;

- Bào chữa viên nhân dân;

- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Như vậy, theo quy định nêu trên, luật sư có thể bào chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng một vụ án miễn quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. 

2. Những ai không được bào chữa trong vụ án hình sự?

Cụ thể tại khoản 4 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định những người sau đây không được bào chữa gồm:

- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;

- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Thời điểm luật sư tham gia tố tụng

Tại  Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thời điểm luật sư tham gia tố tụng như sau:

Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.

Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.

Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

4. Chỉ định người bào chữa trong trường hợp nào?

- Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

+ Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

+ Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các trường hợp quy định nêu trên:

+ Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử người bào chữa;

+ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

(Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

1101 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;