Hướng dẫn tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Xin hỏi việc tổ chức cho người bào chữa gặp những người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can bị tạm giam thực hiện thế nào? - Công Mẫn (Bến Tre)

Hướng dẫn tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Hướng dẫn tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Hướng dẫn tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam

Tại Điều 12 Thông tư 46/2019/TT-BCA hướng dẫn việc  tổ chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam như sau:

- Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh.

Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

- Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và viện kiểm sát có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

- Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, Cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ.

2. Quy định về việc bảo đảm sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiến hành các hoạt động tố tụng

Theo Điều 11 Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định về việc bảo đảm sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tiến hành các hoạt động tố tụng như sau:

- Cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc phải báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành tố tụng mà người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tối thiểu 24 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc, 48 giờ đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cư trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc trước ngày tiến hành hoạt động tố tụng. Trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nhất trí với Điều tra viên, Cán bộ điều tra thời hạn sớm hơn thì việc thực hiện các hoạt động tố tụng được thực hiện theo thỏa thuận đó.

- Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan đang thụ lý vụ án báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã được báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành.

- Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, Điều tra viên, Cán bộ điều tra và người bào chữa phải thực hiện theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nội quy Nhà tạm giữ, Trại tạm giam và các quy định pháp luật khác có liên quan. Nếu phát hiện người bào chữa vi phạm pháp luật thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải dừng ngay việc lấy lời khai, hỏi cung bị can và lập biên bản về việc này, báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra xử lý. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật thì người bào chữa có quyền phản ánh vi phạm đến Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.

Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, hỏi cung bị can nếu Điều tra viên đồng ý cho người bào chữa được hỏi thì phải ghi câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can vào biên bản lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, biên bản hỏi cung bị can. Khi kết thúc việc lấy lời khai, hỏi cung bị can, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung. Sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi của người bào chữa, câu trả lời của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra yêu cầu người bào chữa ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và câu trả lời, người bào chữa có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản.

- Khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố phải thực hiện theo quy định của điểm c khoản 3 Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trường hợp Điều tra viên, Cán bộ điều tra đồng ý cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, kiến nghị khởi tố được hỏi thì phải ghi câu hỏi của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, câu trả lời của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố vào biên bản lấy lời khai. Khi kết thúc việc lấy lời khai, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc lại hoặc đưa cho người bào chữa đọc lại biên bản lấy lời khai, sau khi xác nhận đúng nội dung câu hỏi của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, câu trả lời của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố ký vào biên bản. Trường hợp biên bản ghi chưa đầy đủ, chưa chính xác nội dung câu hỏi và câu trả lời, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ghi ý kiến của mình trước khi ký vào biên bản.

- Khi người bào chữa đề nghị, Điều tra viên phải xác nhận thời gian làm việc thực tế của người bào chữa tham gia tố tụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự.

Tô Quốc Trình

249 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;