Tổng Liên đoàn Lao động phê duyệt Dự án tăng cường phòng chống ma túy cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025.
Dự án tăng cường phòng chống ma túy cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025 (Hình từ internet)
Nội dung nêu tại Quyết định 3248/QĐ-TLĐ năm 2021 phê duyệt Dự án tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành.
Theo đó, các giải pháp thực hiện dự án tăng cường phòng chống ma túy cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025 như sau:
1. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất
- Hàng năm đưa vào chương trình công tác nội dung phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội để chỉ đạo toàn hệ thống triển khai, chú trọng ở các khu công nghiệp. Phân công một đồng chí lãnh đạo các cấp công đoàn chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo nội dung công tác này.
- Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn công nhân lao động thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; huy động sức mạnh của cộng đồng, doanh nghiệp và vận động người sử dụng lao động, người lao động tham gia hoạt động phòng, chống ma túy và thực hiện các phong trào phòng, chống ma túy; lấy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy tại cơ quan, đơn vị là một chỉ tiêu đánh giá, xếp loại thi đua.
- Triển khai các biện pháp phòng, chống ma túy; kết hợp với phòng, chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng ngừa, giáo dục phòng, chống ma túy
- Đẩy mạnh và không ngừng đa dạng hóa các nội dung, hình thức phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy. Tập trung vào phòng ngừa xã hội, trong đó coi trọng phòng ngừa ngay tại cơ sở, nhóm đối tượng người lao động có nguy cơ cao. Phát huy tốt vai trò của các phương tiện truyền thông tại cơ sở, các tiện ích của mạng xã hội (Zalo, Facebook), tuyên truyền với nội dung, thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Tổ chức các chiến dịch truyền thông phòng, chống ma túy, nhất là tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông CNLĐ.
- Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy. Thường xuyên cập nhật và phổ biến thông tin cho công nhân lao động về tác hại của ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm ma túy, tạo sức “đề kháng”, chủ động phòng tránh ma túy thâm nhập vào đời sống người lao động, đặc biệt là nhận thức đúng về tính nguy hiểm và tác hại của các loại ma túy tổng hợp.
- Luôn chủ động nắm chắc tình hình trong công nhân lao động từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, về tệ nạn ma túy tác động tới đời sống công nhân lao động... để kịp thời có biện pháp bảo vệ người lao động. Vận động các doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy trong công nhân lao động.
3. Phát động phong trào “Công nhân, viên chức, người lao động tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội”
Phát động phong trào “công chức, viên chức, người lao động tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội”, nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm và tệ nạn xã hội. Đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động phát hiện, tố giác với chính quyền, Công an về đối tượng hoạt động phạm tội, các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; vận động người lao động, nhất là tại các địa bàn miền núi, khu vực biên giới, vùng dân tộc thiểu số không trồng cây có chứa chất ma túy, không tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
- Tập trung xây dựng, phát động phong trào ở các địa bàn trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất, phức tạp về ANTT, thành phố lớn, tuyến biên giới, khu vực tập trung đông người lao động nhập cư. Phát triển phong trào theo hướng xã hội hoá với phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ đến từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân lao động.
- Hằng năm xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phòng, chống ma túy; nhân dịp Tháng hành động phòng, chống ma túy (tháng 6), Ngày quốc tế phòng, chống ma túy và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (ngày 26/6) tổ chức phát động Chương trình phòng, chống ma túy trong công chức, viên chức, công nhân lao động bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng lĩnh vực, địa bàn, tạo điểm nhấn có sức lan tỏa trong cộng đồng và lôi cuốn đông đảo người lao động trực tiếp tham gia.
- Gắn kết chặt chẽ phong trào “Công nhân, viên chức, người lao động tham gia phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội” với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động và các hoạt động bảo vệ, chăm lo lợi ích đoàn viên, người lao động. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực hỗ trợ công tác an sinh xã hội, chăm lo thiết thực đời sống người lao động; hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, giới thiệu việc làm; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.
4. Xây dựng, củng cố, nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.
- Xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các cấp công đoàn và công nhân, viên chức, lao động trong công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội phù hợp với từng địa bàn, địa phương và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Chú trọng xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh, trật tự ngay từ gia đình, khu nhà trọ công nhân, trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức cho cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động ký cam kết xây dựng khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp “An toàn về an ninh, trật tự”, không có tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội.
- Xây dựng các mô hình truyền thông, an ninh trật tự tại khu công nghiệp tập trung; củng cố các thiết chế về hoạt động văn hóa, thể thao tạo sân chơi giúp công nhân lao động tránh xa ma túy và tệ nạn xã hội
5. Thường xuyên phối hợp với ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội
- Tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan như Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội để triển khai công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong công nhân lao động.
- Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh trật tự.
- Chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống, tội phạm, ma túy và tệ nạn xã hội trong công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Xem thêm nội dung tại Quyết định 3248/QĐ-TLĐ năm 2021.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |