Quy định về đình chỉ thực hiện chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ chuyến bay

Xin hỏi quy định về đình chỉ thực hiện chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ chuyến bay? - Hồng Ngọc (Long An)

Quy định về đình chỉ thực hiện chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ chuyến bay

Quy định về đình chỉ thực hiện chuyến bay, tạm giữ, bắt giữ chuyến bay (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Đình chỉ thực hiện chuyến bay

Theo Điều 41 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định về đình chỉ thực hiện chuyến bay như sau:

- Tàu bay chưa khởi hành bị đình chỉ thực hiện chuyến bay khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

+ Xuất hiện tình huống cấp thiết phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia hoặc phát hiện tàu bay có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh;

+ Vi phạm các quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay, khai thác tàu bay, an toàn hàng không, an ninh hàng không, thủ tục chuyến bay, lập và thực hiện kế hoạch bay, thực hiện phép bay;

+ Phát hiện chuyến bay có dấu hiệu bị uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không;

+ Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trong trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 41 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Thanh tra hàng không lập biên bản và ra quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay. 

Quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay có hiệu lực ngay và phải được gửi cho người chỉ huy tàu bay, cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

- Các cơ quan khác có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay thì quyết định đó có hiệu lực ngay. Quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay phải được gửi ngay sau đó cho Cảng vụ hàng không nơi tàu bay dự định khởi hành.

- Người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay phải tuân thủ quyết định đình chỉ thực hiện chuyến bay và có quyền yêu cầu cơ quan hoặc người ra quyết định làm rõ lý do đình chỉ.

- Tàu bay bị đình chỉ thực hiện chuyến bay được tiếp tục thực hiện chuyến bay sau khi không còn các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép tiếp tục thực hiện chuyến bay.

2. Tạm giữ tàu bay

Tạm giữ tàu bay theo Điều 43 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 như sau:

- Tàu bay có thể bị tạm giữ khi xảy ra các trường hợp sau đây:

+ Vi phạm chủ quyền và an ninh quốc gia của Việt Nam;

+ Không khắc phục các vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 hoặc không chấp hành các biện pháp xử lý vi phạm;

+ Thực hiện hành vi bị cấm liên quan đến hoạt động bay, khai thác tàu bay và vận chuyển hàng không;

+ Vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến tổ bay, hành khách, hành lý, hàng hóa chuyên chở trong tàu bay;

+ Các trường hợp khác theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 43 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Giám đốc Cảng vụ hàng không hoặc Thanh tra hàng không có quyền tạm giữ tàu bay. 

Quyết định tạm giữ tàu bay có hiệu lực ngay và phải được gửi cho người chỉ huy tàu bay, người khai thác tàu bay và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

- Các cơ quan khác có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ tàu bay thì quyết định đó có hiệu lực ngay. Quyết định tạm giữ tàu bay phải được gửi ngay sau đó cho Cảng vụ hàng không nơi tàu bay dự định khởi hành.

- Việc tạm giữ tàu bay được chấm dứt khi các hành vi vi phạm đã được xử lý theo quy định của pháp luật hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm giữ tàu bay đề nghị chấm dứt tạm giữ.

3. Bắt giữ tàu bay

Bắt giữ tàu bay theo Điều 44 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 như sau:

- Bắt giữ tàu bay là biện pháp mà Tòa án áp dụng đối với tàu bay vì lợi ích của chủ nợ, chủ sở hữu, người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại hoặc những người khác có quyền và lợi ích đối với tàu bay theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006;

Trừ việc bắt giữ tàu bay để thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Việc bắt giữ tàu bay có thể áp dụng đối với bất kỳ tàu bay nào của cùng một chủ sở hữu.

- Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tàu bay hạ cánh quyết định bắt giữ tàu bay theo yêu cầu bằng văn bản của chủ sở hữu hoặc của chủ nợ trong trường hợp tàu bay là tài sản bảo đảm cho khoản nợ của chủ nợ;

Hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của người thứ ba ở mặt đất bị thiệt hại do tàu bay đang bay gây ra hoặc những người có quyền và lợi ích đối với tàu bay theo quy định.

- Người yêu cầu bắt giữ tàu bay phải bảo đảm tài chính theo hình thức và giá trị do Tòa án ấn định tương đương với thiệt hại có thể gây ra cho tàu bay do việc bắt giữ tàu bay.

- Trong trường hợp tàu bay bị bắt giữ, người vận chuyển, người khai thác tàu bay vẫn phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã cam kết.

- Việc bắt giữ tàu bay được chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

+ Các khoản nợ đã được thanh toán đầy đủ;

+ Đã áp dụng biện pháp bảo đảm thay thế;

+ Người yêu cầu bắt giữ đề nghị thôi bắt giữ.

- Thủ tục bắt giữ tàu bay thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Quốc Đạt

1882 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;