Tôi muốn biết các điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc được quy định thế nào? - Hoàng Tình (Đà Nẵng)
Điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc (Hình từ Internet)
1. Hành nghề kiến trúc là gì?
Theo khoản 6 Điều 3 Luật Kiến trúc 2019, hành nghề kiến trúc là hoạt động nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ kiến trúc.
Cụ thể, kiến trúc là nghệ thuật và khoa học, kỹ thuật về tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội.
(Khoản 1 Điều 3 Luật Kiến trúc 2019)
2. Điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc
Điều kiện hoạt động của tổ chức hành nghề kiến trúc được quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Kiến trúc 2019, cụ thể như sau:
(i) Được thành lập theo quy định của pháp luật;
(ii) Có cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc hoặc chủ trì thiết kế kiến trúc có chứng chỉ hành nghề kiến trúc;
(iii) Thông báo thông tin quy định tại (i), (ii) cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề kiến trúc có trụ sở hoạt động.
3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc
3.1. Quyền của tổ chức hành nghề kiến trúc
Tổ chức hành nghề kiến trúc có quyền sau đây:
- Thực hiện dịch vụ kiến trúc;
- Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ;
- Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ được giao;
d) Yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng thực hiện đúng thiết kế kiến trúc được duyệt;
- Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư, yêu cầu ngoài nhiệm vụ thiết kế kiến trúc và hợp đồng, yêu cầu thay đổi thiết kế kiến trúc không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
- Từ chối nghiệm thu công trình, hạng mục công trình không đúng thiết kế kiến trúc được duyệt.
(Khoản 1 Điều 34 Luật Kiến trúc 2019)
3.2. Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề kiến trúc
Tổ chức hành nghề kiến trúc có nghĩa vụ sau đây:
- Hoạt động đúng ngành, nghề đã đăng ký;
- Thực hiện đúng hợp đồng đã giao kết với khách hàng phù hợp với quy định của pháp luật;
- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc theo hợp đồng đã giao kết, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, tổ chức quản lý không phù hợp hoặc vi phạm hợp đồng gây thiệt hại.
(Khoản 2 Điều 34 Luật Kiến trúc 2019)
4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc
Cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong hoạt động kiến trúc:
- Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
- Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc.
- Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
- Xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng.
- Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc.
- Cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc.
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc.
(Điều 9 Luật Kiến trúc 2019)
Thanh Rin
- Key word:
- hành nghề kiến trúc
- kiến trúc