Xin hỏi là đối với việc kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND được quy định thế nào? - Thanh Vân (Vĩnh Long)
Quy định về việc kiểm phiếu bầu Đại biểu quốc hội và HĐND (Hình từ Internet)
1. Quy định về việc kiểm phiếu bầu Đại biểu quốc hội và HĐND
Tại Điều 73 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về việc kiểm phiếu như sau:
Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc.
Trước khi mở hòm phiếu, Tổ bầu cử phải thống kê, lập biên bản, niêm phong số phiếu bầu không sử dụng đến và phải mời hai cử tri không phải là người ứng cử chứng kiến việc kiểm phiếu.
Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử hoặc người được ủy nhiệm có quyền chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu. Các phóng viên báo chí được chứng kiến việc kiểm phiếu.
2. Phiếu bầu Đại biểu quốc hội và HĐND không hợp lệ
Tại Điều 74 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về phiếu bầu không hợp lệ như sau:
- Những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:
+ Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra;
+ Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử;
+ Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử;
+ Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
+ Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
- Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.
3. Khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu bầu Đại biểu quốc hội và HĐND
Tại Điều 75 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về việc khiếu nại, tố cáo về kiểm phiếu như sau:
Những khiếu nại, tố cáo tại chỗ về những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử nhận, giải quyết và ghi nội dung giải quyết vào biên bản.
Trong trường hợp Tổ bầu cử không giải quyết được thì phải ghi rõ ý kiến của Tổ bầu cử vào biên bản giải quyết khiếu nại, tố cáo và chuyển đến Ban bầu cử.
4. Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu Đại biểu quốc hội và HĐND
Tại Điều 76 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 quy định về biên bản kết quả kiểm phiếu như sau:
- Sau khi kiểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập các loại biên bản sau đây:
+ Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tại khu vực bỏ phiếu;
+ Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại khu vực bỏ phiếu;
+ Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện tại khu vực bỏ phiếu;
+ Biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã tại khu vực bỏ phiếu.
- Biên bản kết quả kiểm phiếu phải có các nội dung sau đây:
+ Tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu;
+ Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu;
+ Số phiếu phát ra;
+ Số phiếu thu vào;
+ Số phiếu hợp lệ;
+ Số phiếu không hợp lệ;
+ Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử;
+ Những khiếu nại, tố cáo nhận được; những khiếu nại, tố cáo đã giải quyết và kết quả giải quyết; những khiếu nại, tố cáo chuyển đến Ban bầu cử.
- Mỗi loại biên bản quy định tại khoản 1 Điều 76 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 được lập thành ba bản, có chữ ký của Tổ trưởng, Thư ký Tổ bầu cử và hai cử tri được mời chứng kiến việc kiểm phiếu. Biên bản được gửi đến Ban bầu cử tương ứng và Ủy ban nhân dân, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chậm nhất là 03 ngày sau ngày bầu cử.
Ngọc Nhi
- Key word:
- kiểm phiếu