Tổng động viên, động viên cục bộ là gì? Việc gọi nhập ngũ khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ được quy định thế nào? - Minh Trí (Bến Tre)
Quy định về gọi nhập ngũ khi có lệnh tổng động viên, động viên cục bộ (Hình từ Internet)
1. Tổng động viên, động viên cục bộ là gì?
Theo khoản 11 và khoản 12 Điều 2 Luật Quốc phòng 2018 quy định về tổng động viên, động viên cục bộ như sau:
- Tổng động viên là biện pháp huy động mọi nguồn lực của đất nước để chống chiến tranh xâm lược.
- Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
2. Quy định về tổng động viên, động viên cục bộ
Quy định về tổng động viên, động viên cục bộ theo Điều 19 Luật Quốc phòng 2018 như sau:
- Khi có quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
- Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
- Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh.
Khi thực hiện lệnh tổng động viên, Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; Quân đội nhân dân được bổ sung quân nhân dự bị.
- Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng;
Hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng.
Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật;
Bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ.
- Khi không còn tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
- Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
3. Gọi nhập ngũ khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ
Theo Điều 46 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 thì khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, việc gọi nhập ngũ thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Về trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ theo Điều 47 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
- Khi có lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lệnh đình chỉ việc xuất ngũ, nghỉ phép đối với hạ sĩ quan, binh sĩ; hạ sĩ quan, binh sĩ đang nghỉ phép phải trở về đơn vị.
- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi từng công dân nhập ngũ theo quyết định của Chủ tịch UBND cùng cấp.
- Công dân được gọi nhập ngũ phải có mặt đúng thời gian và địa điểm ghi trong lệnh gọi nhập ngũ.
- UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức để công dân chấp hành nghiêm lệnh gọi nhập ngũ.
Quốc Đạt
- Key word:
- tổng động viên
- nhập ngũ