Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 05 điều cần biết

Tôi muốn hỏi theo quy định hiện hành thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định thế nào? - Quốc Thiện (TP.HCM)

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 05 điều cần biết

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 05 điều cần biết (Hình từ Internet)

1. Giáo dục nghề nghiệp là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về giáo dục nghề nghiệp như sau:

Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.

2. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm những cơ sở nào?

Tại Điều 5 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:

+ Trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

+ Trường trung cấp;

+ Trường cao đẳng.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:

+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;

+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

3. Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 10 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 như sau:

- Cơ cấu tổ chức của trường trung cấp, trường cao đẳng công lập, tư thục bao gồm:

+ Hội đồng trường đối với trường trung cấp, trường cao đẳng công lập; hội đồng quản trị đối với trường trung cấp, trường cao đẳng tư thục;

+ Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng;

+ Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Các khoa, bộ môn;

+ Các hội đồng tư vấn;

+ Phân hiệu; tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ; tổ chức phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

- Cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục bao gồm:

+ Giám đốc, phó giám đốc;

+ Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Các tổ bộ môn;

+ Các hội đồng tư vấn;

+ Các đơn vị phục vụ đào tạo; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (nếu có).

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tự chủ về cơ cấu tổ chức.

4. Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Căn cứ Điều 19 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp như sau:

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập;

+ Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết;

+ Có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;

+ Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;

+ Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

+ Có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động.

- Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi thay đổi các nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải đăng ký bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

5. Giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tại Điều 21 Luật giáo dục nghề nghiệp 2014 quy định về việc giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

+ Vi phạm các quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng;

+ Hết thời hạn đình chỉ hoạt động đào tạo mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc bị đình chỉ;

+ Không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp sau thời hạn 36 tháng đối với trường cao đẳng, trường trung cấp hoặc 24 tháng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực;

+ Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 24 tháng, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép giải thể theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó.

- Quyết định giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải xác định rõ lý do giải thể, các biện pháp bảo đảm lợi ích hợp pháp của nhà giáo, viên chức, người học và người lao động. Quyết định giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Người có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thì có quyền giải thể hoặc cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định thủ tục giải thể hoặc cho phép giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ngọc Nhi

2376 lượt xem
  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;