Xin hỏi hiện nay pháp luật quy định về xử lý cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn trong ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt như thế nào? - Gia Khánh (TPHCM)
Hướng dẫn xử lý cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn trong ngân hàng thương mại kiểm soát đặc biệt (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 18/01/2024, Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Các tổ chức Tín dụng 2024
Theo Điều 186 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về việc xử lý cổ phần, phần vốn góp vượt giới hạn như sau:
- Bên nhận chuyển giao bắt buộc phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc thông qua việc tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư mới và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để bảo đảm tuân thủ giới hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63, khoản 1 Điều 77 và khoản 2 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 theo thời hạn quy định tại phương án chuyển giao bắt buộc.
- Trường hợp không thực hiện được quy định tại khoản 1 Điều 186 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, bên nhận chuyển giao bắt buộc phải thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.
- Việc xử lý cổ phần, phần vốn góp quy định tại khoản 1 Điều 186 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 được thực hiện trước thời hạn xác định trong phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Hoàn thành việc tăng vốn điều lệ theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt;
+ Sau 01 năm, kể từ thời điểm quyết định chuyển giao bắt buộc có hiệu lực.
* Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 63 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: - Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. - Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 05% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. * Theo khoản 1 Điều 77 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải là pháp nhân. Tổng số thành viên góp vốn không được vượt quá 05 thành viên. Tỷ lệ sở hữu phần vốn góp tối đa của một thành viên, một thành viên và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Việc góp vốn và tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của tổ chức trong nước và nước ngoài tại tổ chức tài chính vi mô thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. * Theo khoản 2 Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần thì tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại. |
Xem thêm Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024, trừ khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã được sửa đổi tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực thi hành, trừ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 8, 9, 12 và 14 Điều 210 Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
Tô Quốc Trình
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |