Hướng dẫn kiểm tra và xử lý đối với thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo là nội dung được quy định trong Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024.
Hướng dẫn kiểm tra và xử lý đối với thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo (Hình từ Internet)
Ngày 27/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định 2829/QĐ-BTC về Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật tài chính.
Theo quy định tại Điều 92 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024 thì việc kiểm tra và xử lý đối với thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo được thực hiện như sau:
- Ngay sau khi Lãnh đạo Bộ ký ban hành thông tư, đơn vị chủ trì soạn thảo thực hiện tự kiểm tra. Trường hợp phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật thì phải dừng ngay việc lưu hành. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện văn bản có nội dung trái pháp luật, đơn vị thuộc Bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm trình Bộ dự thảo thông tư thay thế.
Đối với thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ và các đơn vị có liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước để tự kiểm tra.
- Trường hợp phát hiện thông tư có dấu hiệu trái pháp luật sau khi lưu hành, đăng Công báo, gửi văn bản cho tổ chức, cá nhân thì đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm;
+ Lập hồ sơ kiểm tra văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 110 Nghị định 34/2016/NĐ-CP, khoản 1 Điều 19 Nghị định 154/2020/NĐ-CP;
+ Gửi hồ sơ kiểm tra văn bản lấy ý kiến của Vụ Pháp chế và các đơn vị thuộc Bộ có liên quan. Trong thời gian 03 ngày làm việc, các đơn vị có trách nhiệm tham gia ý kiến vào những nội dung thuộc phạm vi quản lý của đơn vị;
+ Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật liên tịch do Bộ Tài chính ban hành, sau khi lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm trình Bộ hồ sơ về văn bản có nội dung trái pháp luật để gửi đến cơ quan liên tịch với Bộ Tài chính để lấy ý kiến và thống nhất ban hành văn bản đề xuất xử lý các nội dung trái pháp luật của văn bản được kiểm tra;
+ Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế trình Bộ kết quả tổng hợp ý kiến, đề xuất xử lý văn bản theo quy định tại Điều 130 Nghị định 34/2016/NĐ-CP và khoản 29 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP;
+ Tài liệu trình Bộ về kết quả kiểm tra và đề xuất hướng xử lý văn bản gồm: Tờ trình Bộ; phiếu kiểm tra văn bản; văn bản được kiểm tra và văn bản làm cơ sở pháp lý để kiểm tra; kết luận, thông báo của cấp có thẩm quyền kiểm tra (nếu có); ý kiến tham gia của Vụ Pháp chế, các đơn vị trong và ngoài Bộ.
- Kiểm tra và xử lý văn bản theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra văn bản:
+ Khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra văn bản về thông tư, thông tư liên tịch do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo có dấu hiệu trái pháp luật, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2829/QĐ-BTC năm 2024 để trình Bộ có công văn thông báo kết quả xử lý, giải trình theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản.
+ Thời hạn xử lý, giải trình văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thực hiện theo Điều 125 Nghị định 34/2016/NĐ-CP.
Xem thêm Quyết định 2829/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 27/11/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |