Hoàn thành xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) trong năm 2024 là nội dung đề cập tại Quyết định 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023.
Hoàn thành xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) trong năm 2024 (Hình từ Internet)
Thủ tướng ban hành Quyết định 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể tại Quyết định 334/QĐ-TTg, Chính phủ đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng như sau:
- Thể chế hoá đầy đủ quan điểm, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
- Tổng kết, đánh giá đầy đủ kết quả sau 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010; bổ sung đầy đủ các chính sách mới đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, về tài nguyên địa chất; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội dung các chính sách trong lĩnh vực khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Hoàn thành xây dựng dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV trong năm 2024.
- Quy định cụ thể về nội dung điều tra cơ bản tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất) và các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình,..).
Tiếp tục hoàn thiện các quy định về lập bản đồ địa chất khoáng sản, địa chất đô thị và các loại bản đồ chuyên ngành địa chất khác...
- Bổ sung, hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn;
Hoàn thiện cơ chế quản lý theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm tính công bằng, công khai, minh bạch, chống lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
- Rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất, khai thác mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật thấp kém.
- Hoàn thiện chính sách xuất - nhập khẩu và dự trữ khoáng sản, bảo đảm cân đối nhu cầu trước mắt với dự trữ khoáng sản lâu dài, xuất khẩu khoáng sản trên cơ sở cân đối hiệu quả đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản.
- Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để tái đầu tư phát triển, an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi khoáng sản được khai thác.
- Hoàn thiện chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm làm chủ công nghệ tiên tiến chuyển giao từ các nước phát triển, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng;
Khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, nhất là đối với những khoáng sản quan trọng, nhằm tăng dự trữ khoáng sản trong nước.
Trong Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đặt ra các mục tiêu cụ thể thực hiện đến năm 2025 như sau:
- Hoàn thành 80% diện tích lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 phần đất liền; hoàn thành điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản tại các cấu trúc có triển vọng ở các khu vực Tây Bắc, Trung Trung Bộ.
- Điều tra địa chất, khoáng sản một số khu vực biển đến độ sâu 300 m nước và 1.500 m tỷ lệ 1:500.000; điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình, địa động lực, tài nguyên, môi trường vùng biển ven bờ tỷ lệ 1:100.000.
- Điều tra, khoanh vùng cảnh báo tai biến trượt lở đất đá, lũ quét tại các tỉnh miền núi có nguy cơ cao; điều tra, lập bản đồ địa chất môi trường các khu vực chứa khoáng sản độc hại, phóng xạ.
- Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia.
- Thăm dò đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến đối với các khoáng sản: than, bauxit, titan - zircon, apatit, sắt, chì - kẽm, đồng, niken, thiếc, mangan, cromit, cát thủy tinh và một số khoáng sản khác.
- Chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp, gây ô nhiễm môi trường.
- Phát huy hiệu quả các nhà máy chế biến khoáng sản hiện có gắn với nguồn nguyên liệu ổn định, đầu tư mới công nghệ, cải tạo nâng cấp thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm, có tính cạnh tranh trên thị trường; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến các loại khoáng sản theo quy hoạch gắn với nguồn nguyên liệu tập trung ổn định.
Đầu tư có hiệu quả dự án khai thác, chế biến quặng crômit tại Cổ Định (Thanh Hoá); khắc phục các tồn tại Dự án Nhà máy gang thép Lào Cai và có giải pháp tổ chức khai thác và sử dụng hiệu quả mỏ sắt Quý Xa.
Quyết định 334/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |