Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 02/2023 (từ ngày 01 - 10/02/2023), đơn cử như: Các trường hợp miễn lệ phí đăng ký cư trú từ ngày 05/02/2023; Tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án; Sửa đổi quy định trường hợp được mua lại khoản nợ đã bán của TCTD…
1. 04 trường hợp miễn lệ phí đăng ký cư trú từ ngày 05/02/2023
Đây là nội dung tại Thông tư 75/2022/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 05/02/2023) quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, các trường hợp miễn lệ phí đăng ký cư trú bao gồm:
- Trẻ em theo quy định tại Luật Trẻ em; người cao tuổi theo quy định tại Luật Người cao tuổi; người khuyết tật theo quy định tại Luật Người khuyết tật.
- Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.
- Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công dân thường trú tại các xã biên giới; công dân thường trú tại các huyện đảo; công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật.
- Công dân từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mồ côi cả cha và mẹ.
Đồng thời, quy định mức thu lệ phí thực hiện theo quy định tại Biểu mức thu lệ phí đăng ký cư trú ban hành kèm theo Thông tư 75/2022/TT-BTC.
2. Tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết án
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư 01/2022/TT-TANDTC (có hiệu lực từ ngày 01/02/2023) quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Cụ thể, quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết án phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
- Số lượng, tính chất phức tạp của vụ việc được phân công cho các Thẩm phán giải quyết trong 01 năm tại mỗi Tòa án là tương đương nhau.
- Phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm xét xử, giải quyết loại vụ việc đó. Đối với vụ việc có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên thì phân công Thẩm phán là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.
- Phù hợp với vị trí công tác, chức vụ Thẩm phán đang đảm nhiệm.
- Thẩm phán trong Tổ Thẩm phán chuyên trách; Thẩm phán trong Tòa chuyên trách thuộc lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên phân công giải quyết vụ việc thuộc lĩnh vực đó.
- Thẩm phán giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Tòa án nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện được phân công giải quyết án theo chỉ tiêu do Tòa án nhân dân tối cao quy định.
Thẩm phán nữ trong thời gian 03 tháng trước khi nghỉ chế độ thai sản và 03 tháng sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản được phân công giải quyết án với chỉ tiêu tối đa bằng 50% so với Thẩm phán khác.
3. Sửa đổi quy định trường hợp được mua lại khoản nợ đã bán của TCTD
Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành Thông tư 18/2022/TT-NHNN ngày 26/12/2022 sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định về hoạt động mua, bán nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, việc mua lại khoản nợ đã bán của TCTD được quy định như sau:
- Bên bán nợ không mua lại khoản nợ đã bán, trừ các trường hợp dưới đây:
+ TCTD mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 12 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN;
+ TCTD hỗ trợ mua lại khoản nợ đã bán cho TCTD được kiểm soát đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng;
+ TCTD nhận chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN.
- TCTD thực hiện mua lại khoản nợ đã bán quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều 5 Thông tư 09/2015/TT-NHNN theo nội dung đã cam kết mua lại khoản nợ tại phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong trường hợp sau:
+ Khoản nợ mua lại đang được TCTD được kiểm soát đặc biệt sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại NHNN nhưng không còn được phân loại là nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định của NHNN và bán thay thế bằng khoản nợ đủ tiêu chuẩn khác.
+ Đến hạn trả nợ vay đặc biệt, TCTD được kiểm soát đặc biệt chưa có đủ tiền để hoàn trả nợ vay đặc biệt cho NHNN theo kế hoạch trả nợ vay đặc biệt.
(Hiện hành, Thông tư 09/2015/TT-NHNN quy định bên bán nợ không mua lại các khoản nợ đã bán)
Thông tư 18/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 09/02/2023.
4. Đối tượng được cung cấp, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện
Thông tư 28/2022/TT-BGTVT ngày 29/11/2022 quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành.
Theo đó, quy định đối tượng được cung cấp, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm phương tiện bao gồm:
- Các cơ quan phục vụ công tác quản lý nhà nước;
- Chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện hợp pháp theo quy định của pháp luật;
- Các tổ chức, cá nhân khác khi có yêu cầu.
Các thông tin trong cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện được cung cấp, chia sẻ là các thông tin quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 28/2022/TT-BGTVT.
Phương thức chia sẻ dữ liệu:
- Thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Bộ Giao thông vận tải;
- Kết nối trực tiếp giữa hệ thống thông tin dữ liệu đăng kiểm phương tiện và hệ thống thông tin của tổ chức sử dụng dữ liệu;
- Tra cứu thông tin trực tuyến trên Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý dữ liệu đăng kiểm phương tiện;
- Cung cấp thông tin dạng văn bản.
Thông tư 28/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |