Trong tuần vừa qua (từ ngày 02/11/2020 - 07/11/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Thuế, phí, lệ phí; Giáo dục; Thương mại và đầu tư; Y tế - dược;... Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 05/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo đó, tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP đề ra 02 nguyên tắc:
Người nộp thuế có giao dịch liên kết phải loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động để kê khai, xác định nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên kết tương đương với các giao dịch độc lập có cùng điều kiện;
Cơ quan thuế quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với giá giao dịch liên kết của người nộp thuế theo nguyên tắc giao dịch độc lập và bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế, không công nhận các giao dịch liên kết không theo nguyên tắc giao dịch độc lập làm giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp với ngân sách nhà nước và thực hiện điều chỉnh giá giao dịch liên kết đó để xác định đúng nghĩa vụ thuế quy định của Nghị định này.
Xem chi tiết tại Nghị định 132/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ 20/12/2020.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 41/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 42/2020/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục.
Hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục bị bãi bỏ (Ảnh minh họa)
Theo đó, Bộ BGDĐT bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây từ ngày 19/12/2020:
- Văn bản do Bộ trưởng BGDĐT tạo ban hành:
Thông tư 06/2011/TT-BGDĐT quy định về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Thông tư 39/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục;
Quyết định 75/2007/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công tác pháp chế cho cán bộ pháp chế ngành giáo dục;
...
- Văn bản do Bộ trưởng BGDĐT liên tịch ban hành:
Thông tư liên tịch 23/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ quốc dân;
Thông tư liên tịch 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH về quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và thuế đối với hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề;
...
Chi tiết xem thêm tại Thông tư 41/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 42/2020/TT-BGDĐT, cùng có hiệu lực từ ngày 19/12/2020.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Quyết định 2837/QĐ-BCT năm 2020 về Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn 2021-2025, ban hành ngày 05/11/2020.
Cần nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật của cộng đồng về bán hàng đa cấp (Ảnh minh họa)
Theo Quyết định 2837/QĐ-BCT, bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý kinh doanh đa cấp, Bộ Tài chính đã đề ra các nhiệm vụ:
Nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật của cộng đồng về bán hàng đa cấp, đặc biệt các hình thức biến tướng;
Truyền thông đầy đủ, chính xác về vai trò, hoạt động quản lý nhà nước, đặc biệt của Bộ Công Thương trong việc ổn định thị trường bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian qua;
Khẳng định hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, đa cấp trá hình như đầu tư tài chính, tiền ảo,... là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, trong đó đa số trường hợp thuộc diện xử lý hình sự.
Xem thêm tại Quyết định 2837/QĐ-BCT, ban hành ngày 05/11/2020.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6030/BYT-KCB năm 2020 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, để giữ vững thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch Covid-19, chung sống an toàn, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển, BYT yêu cầu Giám đốc SYT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ phải tích cực, chủ động thực hiện nghiêm các quy định của BYT về:
Quản lý những người đến KCB và người chăm sóc tại cơ sở KCB thông qua hệ thống khai báo y tế điện tử. Công khai bảng thông báo các quy định hạn chế người nhà người bệnh;
Triển khai chăm sóc toàn diện tại khoa Hồi sức tích cực, khoa Truyền nhiễm và Khoa có người bệnh nặng;
Bố trí nguồn nhân lực làm việc tại cơ sở KCB cho phù hợp với tình hình bệnh nhân, phân công chi tiết ca kíp, chia nhóm làm việc luân phiên;
Xây dựng quy chế và triển khai hoạt động tư vấn, KCB từ xa;
Triển khai đặt lịch khám qua điện thoại, trên website;
Tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán chi phí KCB qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt. Triển khai khử khuẩn tiền mặt bằng tia cực tím;
Báo cáo kịp thời ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh COVID-19;
…
Chi tiết xem tại Công văn 6030/BYT-KCB, ban hành ngày 04/11/2020.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |