Trong tuần vừa qua (từ ngày 19/10/2020 - 24/10/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Chính sách xã hội; Trật tự an toàn xã hội; Y tế - dược; Hải quan- Xuất nhập khẩu;... Nội dung cụ thể như sau:
Ngày 20/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1629/QĐ-TTg về việc xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Hà Tĩnh để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
Khẩn trương cấp xuồng, nhà, phao cứu sinh, máy phát điện cho vùng lũ (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Quyết định 1629/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xuất trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh miền Trung. Cụ thể:
Quảng Bình: 5 bộ xuồng cao tốc các loại; 136 nhà bạt cứu sinh các loại; 7.260 phao cứu sinh các loại;
Quảng Trị: 3 bộ xuồng cao tốc các loại; 20 bộ nhà bạt cứu sinh; 4.100 phao cứu sinh các loại;
Thừa Thiên-Huế: 3 bộ xuồng cao tốc các loại; 28 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại; 2 bộ máy phát điện;
Quảng Nam: 5 bộ xuồng cao tốc các loại; 30 nhà bạt cứu sinh các loại; 3.030 chiếc phao cứu sinh các loại; 2 bộ máy phát điện;
Hà Tĩnh: 4 bộ xuồng cao tốc các loại; 166 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 5.560 phao áo cứu sinh; 200 nhà bạt cứu sinh các loại; 4 bộ máy phát điện.
Xem chi tiết tại Quyết định 1629/QĐ-TTg, ban hành ngày 20/10/2020.
Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn 10612/BGTVT-CYT về việc đôn đốc, nhắc nhở yêu cầu đeo khẩu trang tại các cảng hàng không, bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng để phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, để phòng, chống dịch COVID-19 hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh đối với hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng và nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng vào Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể như sau:
Đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp vận tải, chủ/người điều khiển phương tiện vận tải để thông báo và yêu cầu: Tất cả hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng, người điều khiển phương tiện và người phục vụ trên phương tiện phải thực hiện đeo khẩu trang đúng cách tại bến tàu, bến xe, nhà ga và trên mọi phương tiện giao thông công cộng trong suốt thời gian di chuyển;
Cục Hàng không Việt Nam: Có văn bản nhắc nhở tất cả các hãng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm quy định yêu cầu toàn bộ hành khách (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài) bắt buộc phải đeo khẩu trang đúng cách trong suốt thời gian trên máy bay, khi làm thủ tục, trong thời gian ở sân bay. Hành khách và người đưa tiễn bắt buộc đeo khẩu trang trong phạm vi sân bay;
...
Chi tiết xem tại Công văn 10612/BGTVT-CYT ban hành ngày ngày 21/10/2020.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Mở rộng điều kiện người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động (Ảnh minh họa)
Theo đó, nếu như tại khoản 1 Điều 13 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, điều kiện để người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động là phải:
Có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020.
Thì tại Quyết định 32/2020/QĐ-TTg điều kiện này được sửa đổi lại như sau:
Có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Như vậy, người sử dụng lao động chỉ cần có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 01 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020 sẽ đáp ứng được 1 trong 3 điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động chứ không cần phải đến 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên.
Xem chi tiết tại Quyết định 32/2020/QĐ-TTg, ban hành ngày 19/10/2020.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 128/2020/NĐ-CP đã bổ sung hành vi vi phạm về giám sát hải quan so với Nghị định 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định 45/2016/NĐ-CP. Cụ thể, bổ sung mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
Thực hiện tiêu hủy phế liệu, phế phẩm từ hoạt động gia công, sản xuất hàng xuất khẩu, hoạt động của doanh nghiệp chế xuất mà không thông báo với cơ quan hải quan;
Đưa nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị đến cơ sở khác gia công lại hoặc đến cơ sở, nơi lưu giữ khác với địa điểm ban đầu đã thông báo với cơ quan hải quan để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu mà không thông báo cho cơ quan hải quan;
Thực hiện vận chuyển hàng hóa từ kho chứa hàng miễn thuế đến cửa hàng miễn thuế, tàu bay và ngược lại mà không thông báo hoặc không được sự đồng ý của cơ quan hải quan.
Xem thêm các nội dung khác tại Nghị định 128/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/12/2020.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |