Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (16/11 - 21/11/2020)

Điểm tin văn bản nổi bật tuần vừa qua (16/11 - 21/11/2020)
Nguyễn Trinh

Trong tuần vừa qua (từ ngày 16/11 - 21/11/2020), Thư Ký Luật đã cập nhật được các văn bản quan trọng về Môi trường; Y tế - dược; Ngân hàng, tiền tệ; Khoa học, công nghệ;... Nội dung cụ thể như sau:

1. Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 9

Ngày 17/11/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 378/TB-VPCP năm 2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và thành phố Đà Nẵng về công tác khắc phục hậu quả bão số 9.

Theo đó, trong thời gian tới cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

  • Tập trung khắc phục, sớm thông tuyến giao thông, bao gồm cả quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã,… để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ, cũng như bảo đảm giao thông đi lại cho người dân;

  • Tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích, nhất là tại các khu vực sạt lở ở tỉnh Quảng Nam và các ngư dân còn mất liên lạc của tỉnh Bình Định;

  • Tập trung chăm lo, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không được để người dân không có chỗ ở, thiếu đói, bệnh tật;

  • Khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống, bảo đảm sinh kế cho người dân;

  • Tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn, tổ chức việc tiếp nhận, phân phối các nguồn viện trợ, cứu trợ;

  • Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ.

2. Danh mục nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế biển Việt Nam đến 2030

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 3367/QĐ-BVHTTDL năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế biển Việt Nam đến 2030

Danh mục nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế biển Việt Nam đến 2030 (Ảnh minh họa)

Theo đó, ban hành kèm theo Quyết định là danh mục nhiệm vụ trọng tâm với thời gian hoàn thành như sau:

  • Phối hợp với các địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ cộng đồng dân cư khu vực ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ hoạt động du lịch: 2021-2025;

  • Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển bền vững du lịch biển đến năm 2030: 2022-2025;

  • Nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển tuyến du lịch sinh thái tại một số đảo xa bờ: 2023-2025;

  • Nghiên cứu, xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển: 2021-2025;

  • Nghiên cứu, xây dựng Đề án bảo tồn không gian văn hóa tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển: 2026-2030;

  • ...

Chi tiết xem tại Quyết định 3367/QĐ-BVHTTDL năm 2020 có hiệu lực từ 16/11/2020.

3. Hướng dẫn điền Danh sách trạm y tế trên địa bàn quận/huyện/thị xã

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6301/BYT-KCB năm 2020 về đăng ký kê khai thông tin TYT, phòng khám cho việc đánh giá phòng khám an toàn phòng chống dịch.

Theo đó, người được phân công trực tiếp điền toàn bộ các trạm y tế và phòng khám trên địa bàn hoặc phân công cho các xã/phường/thị trấn tự điền và tổng hợp vào 1 file duy nhất để gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh theo phần mềm trực tuyến.

Trình tự các cột ghi như sau:

  • Cột 1: Số thứ tự các TYT, phòng khám;

  • Cột 2: Ghi rõ tên xã hoặc tên phường, thị trấn;

  • Cột 3: Ghi theo mã số: xã = 1; phường = 2; thị trấn = 3;

  • Cột 4: Ghi mã vùng địa lý: Thành phố trực thuộc Trung ương = 1; thành phố thuộc tỉnh = 2; đồng bằng = 3; trung du = 4; miền núi = 5; khác = 9;

  • Cột 5: Ghi đầy đủ tên Trạm Y tế hoặc phòng khám theo quy định

  • Cột 6: Ghi theo mã số: TYT = 1; PKĐK khu vực = 2; PK tư nhân = 3.

  • Cột 7: Ghi rõ mã giấy phép hoạt động đã được cấp. Nếu phòng khám chưa có giấy phép hoặc giấy phép hết giá trị ghi số 9.

  • Cột 8: Ghi chuyên khoa theo mã số: PK đa khoa hoặc TYT = 11; PK chuyên khoa Nội = 12; ...

Xem thêm tại Công văn 6301/BYT-KCB được ban hành ngày 16/11/2020.

4. Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Ngày 16/11/2020, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-NHNN quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Tiêu chuẩn giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (Ảnh minh họa)

Theo đó, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:

  • Tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp;

  • Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành tài chính - ngân hàng; kế toán; kinh tế; luật; công nghệ thông tin, mỹ thuật, công nghệ kỹ thuật in và công nghệ hóa học do cơ sở giáo dục của Việt Nam đào tạo theo quy định của pháp luật hoặc do cơ sở giáo dục nước ngoài đào tạo và được công nhận để sử dụng tại Việt Nam;

  • Có thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức hoặc ký hợp đồng lao động, phù hợp với lĩnh vực mà người đó được bổ nhiệm làm giám định viên tư pháp.

Chi tiết xem tại Thông tư 14/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ 01/01/2021.

502 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;