Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến thông qua, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Dự thảo, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong pháp luật lao động là hành vi “quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Theo Dự thảo này, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là các hành vi có bản chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Như vậy, Dự thảo đã bổ sung quy định giải thích cụ thể như thế nào là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc so với quy định hiện hành tại Bộ luật Lao động 2012 (Bộ luật Lao động 2012 chỉ quy định đây là một trong những hành vi bị nghiêm cấm nhưng không có định nghĩa cụ thể về hành vi này).
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng bổ sung định nghĩa về hành vi phân biệt đối xử trong lao động, theo đó, phân biệt đối xử trong lao động là hành vi làm giảm hoặc tạo ra ưu đãi về cơ hội việc làm, thực hiện công việc, điều kiện lao động và cơ hội thăng tiến, phát triển nghề nghiệp của người lao động hoặc nhóm người lao động so với người lao động hoặc nhóm người lao động khác. Các hành vi duy trì và bảo vệ việc làm cho những người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
Nguyễn Trinh
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019
- Quấy rối tình dục