Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc thế nào? - Minh Quý (Tiền Giang)

Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo Điều 85 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục trong nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc;

+ Trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục xử lý nội bộ đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm cả trách nhiệm, thời hạn, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

+ Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm;

+ Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả.

- Các quy định của người sử dụng lao động về khiếu nại, tố cáo về quấy rối tình dục và xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục phải bảo đảm các nguyên tắc:

+ Nhanh chóng, kịp thời;

+ Bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

2. Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc theo Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

+ Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

+ Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

- Người lao động có nghĩa vụ:

+ Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;

+ Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

- Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:

+ Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;

+ Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

- Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.

3. Quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới

Quyền làm việc bình đẳng của người lao động, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới theo Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

- Quyền bình đẳng của người lao động:

+ Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, tiền lương, khen thưởng, thăng tiến, trả công lao động, các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện lao động, an toàn lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ốm đau, thai sản, các chế độ phúc lợi khác về vật chất và tinh thần;

+ Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng của lao động nữ, lao động nam, thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới về các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP trong quan hệ lao động.

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của phụ nữ. Việc tham khảo ý kiến của đại diện lao động nữ được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.

- Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động:

+ Ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn;

+ Thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3589 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;