Thủ tục công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm

Thủ tục công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm là nội dung đề cập tại Quyết định 406/QĐ-LĐTBXH ngày 03/4/2023 do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Thủ tục công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm

Thủ tục công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Ngày 03/4/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định 406/QĐ-LĐTBXH về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

1. Thủ tục công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm

1.1. Hồ sơ đề nghị công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm

Hồ sơ đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo thường xuyên hằng năm được quy định như sau:

Giấy đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg.

* Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

* Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến.

1.2. Trình tự công nhận hộ thoát nghèo thường xuyên hằng năm

Trình tự công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo thường xuyên hằng năm bao gồm 5 bước như sau:

Bước 1: Hộ gia đình có Giấy đề nghị công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo Mẫu số 04 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.

Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với trưởng thôn và rà soát viên thu thập thông tin hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp và phân loại hộ gia đình.

Bước 3: Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát:

- Thành phần cuộc họp: Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã, công chức được giao nhiệm vụ làm công tác giảm nghèo cấp xã, Trưởng thôn (chủ trì họp), Bí thư Chi bộ thôn, đoàn thể, rà soát viên và một số đại diện hộ gia đình qua rà soát, hộ gia đình khác; mời đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát.

- Nội dung cuộc họp: Lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát. 

Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại tại Bước 2 và tổ chức họp dân lại tại Bước 3 này.

- Kết quả cuộc họp được lập thành 02 biên bản, có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện các hộ dân (01 bản lưu ở thôn, 01 bản gửi Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã).

Bước 4: Niêm yết, thông báo công khai

- Niêm yết công khai kết quả rà soát hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; 

Thông báo qua đài truyền thanh cấp xã (nếu có) trong thời gian 03 ngày làm việc.

- Trong thời gian niêm yết, thông báo công khai: 

Trường hợp có khiếu nại của người dân, Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổ chức phúc tra kết quả rà soát theo đúng quy trình rà soát trong thời gian không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại; 

Niêm yết công khai kết quả phúc tra tại nhà văn hóa hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng thôn và trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 03 ngày làm việc.

- Hết thời gian niêm yết công khai và phúc tra (nếu có), Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo (sau khi rà soát).

Bước 5: Công nhận hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 24/2021/QĐ-TTg

Trường hợp không đủ điều kiện theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Phương pháp rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo

Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định 24/2021/QĐ-TTg thực hiện như sau:

- Khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình, tính điểm, tổng hợp điểm theo Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi Thông tư 02/2022/TT-BLĐTBXH) để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo như sau:

+ Về mức thu nhập bình quân đầu người (gọi là điểm A): 

Ở khu vực nông thôn, 140 điểm tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 1.500.000 đồng/người/tháng; 

Ở khu vực thành thị, 175 điểm tương đương với mức thu nhập bình quân đầu người 2.000.000 đồng/người/tháng.

+ Về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (gọi là điểm B): 10 điểm tương đương với 01 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.

- Phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo

+ Hộ nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B ≥ 30 điểm ở khu vực thành thị;

+ Hộ cận nghèo: hộ có điểm A ≤ 140 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực nông thôn hoặc có điểm A ≤ 175 điểm và điểm B < 30 điểm ở khu vực thành thị.

(Khoản 1 Điều 1 Thông tư 07/2021/TT-BLĐTBXH)

Nguyễn Thị Hoài Thương

742 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;