Thẩm quyền và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Xin hỏi thẩm quyền và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo như thế nào? - Hải Yến (Long An)

Thẩm quyền và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo 

(Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

Thẩm quyền và trách nhiệm của lãnh đạo Bộ nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo Điều 5 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 456/QĐ-BNV năm 2023 quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ nội vụ như sau:

Về giải quyết khiếu nại

- Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với:

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của công chức do mình quản lý trực tiếp.

+ Quyết định kỷ luật do mình ban hành.

- Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định đã được giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết, bao gồm:

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Nội vụ.

+ Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

+ Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

- Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

- Kiến nghị người có thẩm quyền giải quyết lại vụ việc khiếu nại hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ khi phát hiện việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân hoặc có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ việc khiếu nại.

- Chủ trì, tham gia giải quyết hoặc xem xét, kết luận và kiến nghị việc giải quyết khiếu nại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

- Giải quyết khiếu nại trong các trường hợp khác khi được cấp thẩm quyền giao và theo quy định của pháp luật.

Về giải quyết tố cáo

- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ

+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; của công chức, viên chức, người lao động do Bộ trưởng Bộ Nội vụ bổ nhiệm, quản lý trực tiếp.

+ Đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức trong đó có Bộ Nội vụ, Bộ trưởng có thẩm quyền:

* Chủ trì giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp.

* Phối hợp giải quyết đối với tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức khác.

- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.

- Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

+ Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

+ Phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với tố cáo có nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan.

- Giải quyết tố cáo nếu Bộ Nội vụ là cơ quan thụ lý tố cáo đầu tiên đối với tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có Bộ Nội vụ (trường hợp tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực).

- Xem xét, xử lý, giải quyết vụ việc tố cáo tiếp theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Tố cáo đối với các tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ (trường hợp tố cáo đối với hành vi vi phạm của công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ).

- Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức, người lao động xảy ra trong thời gian công tác trước đây tại Bộ Nội vụ nay đã chuyển công tác hoặc không còn là công chức, viên chức, người lao động, được xử lý như sau:

+ Chủ trì, phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc, trực thuộc đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương.

+ Chủ trì, phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan giải quyết đối với trường hợp không còn công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ nhưng có hành vi, vi phạm pháp luật tại thời điểm đang công tác.

+ Phối hợp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo giải quyết tố cáo trong trường hợp người bị tố cáo là công chức, viên chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn hoặc người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó.

- Giải quyết tố cáo trong các trường hợp khác khi được cấp có thẩm quyền giao và theo quy định của pháp luật.

2. Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ nội vụ quy định cụ thể tại Điều 6 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 456/QĐ-BNV năm 2023 như sau:

Về công tác tiếp công dân

- Tiếp công dân định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Tiếp công dân và khoản 2 Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP

Tiếp công dân đột xuất theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Tiếp công dân, khoản 3 Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP.

Thời gian tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng vào ngày thứ Tư tuần thứ hai hằng tháng. Nếu ngày tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp Bộ trưởng không thể trực tiếp tiếp công dân theo lịch đã công bố vì lý do khách quan thì có thể lùi lịch tiếp công dân sang thời gian khác.

- Khi tiếp công dân, Bộ trưởng hoặc người được phân công thực hiện theo quy định tại Điều 8, khoản 4 Điều 18 Luật Tiếp công dân, khoản 4 Điều 4 Nghị định 64/2014/NĐ-CP, Điều 9 Thông tư 04/2021/TT-TTCP.

Về xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

- Chuyển đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tới cá nhân hoặc các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ trong trường hợp Bộ trưởng tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

- Phân công Thứ trưởng, chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh theo quy định pháp luật.

Về giải quyết khiếu nại

- Thụ lý giải quyết, thông báo cho người khiếu nại theo quy định tại các Điều 27, 36, 50 Luật Khiếu nại, Điều 16 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

- Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật công chức, viên chức của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29, khoản 1 Điều 52 Luật Khiếu nại, Điều 17 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

- Tiến hành xác minh hoặc giao Thanh tra Bộ hoặc cá nhân, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 29, Điều 38, khoản 2 Điều 52 Luật Khiếu nại, Điều 17 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

- Tổ chức đối thoại theo quy định tại các Điều 30, 39, 53 Luật Khiếu nại, Điều 28 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

- Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại các Điều 31, 54 Luật Khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại các Điều 40, 56 Luật Khiếu nại.

- Gửi quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 32, khoản 1 Điều 41, khoản 2 Điều 54, khoản 2 Điều 56 Luật Khiếu nại, khoản 2 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

- Công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 41 Luật Khiếu nại, khoản 3 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP.

- Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Về giải quyết tố cáo

- Tiếp nhận, xử lý tố cáo, thông tin có nội dung tố cáo theo quy định tại các Điều 23, 24, 25, 26 Luật Tố cáo, Điều 20 Nghị định 31/2019/NĐ-CP và khoản 2 Điều 6 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 456/QĐ-BNV.

- Tiến hành xác minh hoặc giao Thanh tra Bộ hoặc đơn vị, cá nhân thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo theo quy định tại Điều 31 Luật Tố cáo, Điều 10 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.

- Kết luận nội dung tố cáo theo quy định tại Điều 35 Luật Tố cáo, Điều 17 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.

- Xử lý kết luận tố cáo theo quy định tại Điều 36 Luật Tố cáo, Điều 18 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.

- Gửi kết luận nội dung tố cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật Tố cáo

- Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo theo quy định tại Điều 40 Luật Tố cáo, Điều 6 Nghị định 31/2019/NĐ-CP.

- Các nội dung khác theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

Khi được Bộ trưởng phân công phụ trách công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

- Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, trước pháp luật về các nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công.

- Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ trong việc thực hiện quy định pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 456/QĐ-BNV năm 2023.

- Thực hiện theo các quy định khác tại Điều 5 Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ được ban hành theo Quyết định 609/QĐ-BNV.

- Báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện nhiệm vụ.

( Điều 7 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Bộ nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 456/QĐ-BNV năm 2023)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

710 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;