Quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình

Cho tôi hỏi việc hòa giải trong phòng chống. bạo lực gia đình được quy định như thế nào? - Tấn Hoà (Bình Định)

Quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình

Quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quy định về hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình

Theo Điều 17 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về việc hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn hành vi bạo lực gia đình.

Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

- Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

+ Chủ động, kịp thời, kiên trì;

+ Tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình;

+ Khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam;

+ Bảo đảm bí mật thông tin về đời sống riêng tư của các thành viên gia đình được hòa giải;

+ Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

2. Chủ thể tiến hành hòa giải phòng, chống bạo lực gia đình

Tại Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 quy định về chủ thể tiến hành hoà giải phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

- Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn.

Trong trường hợp cần thiết có thể mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.

- Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức đó với thành viên gia đình của họ khi có đề nghị của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết thì phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để hòa giải.

- Tổ hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở 2013.

- Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên của Tổ hòa giải ở cơ sở.

3. Đối tượng tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình

Theo khoản 2 Điều 16 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thì việc tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình tập trung vào các đối tượng sau đây:

- Người bị bạo lực gia đình;

- Người có hành vi bạo lực gia đình;

- Trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Người thường xuyên có hành vi cổ xúy cho bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, định kiến giới;

- Người chuẩn bị kết hôn.

Tô Quốc Trình

189 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;