Tôi muốn hỏi Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 sẽ có những nội dung gì? – Tiên Thùy (Lâm Đồng)
Thủ tướng ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 18/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 428/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
Cụ thể, các nội dung trong Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 như sau:
(1) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật
- Nội dung: Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật
- Cơ quan thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước được phân công và gửi kết quả rà soát về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Thời gian hoàn thành: Tháng 12 năm 2024.
(2) Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022
- Xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (Chính phủ đã ban hành Nghị định 76/2023/NĐ-CP).
- Xây dựng Nghị định quy định Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
+ Thời hạn trình: Trước ngày 15 tháng 10 năm 2024.
- Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình về nội dung liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022.
+ Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
+ Thời hạn trình: Trước ngày 15 tháng 12 năm 2024.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ rà soát các quy định của Luật, quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật.
(3) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật.
- Nội dung hoạt động
+ Đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 và các văn bản quy định chi tiết một số điều của Luật trên Cổng/Trang thông tin điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật và các hình thức phù hợp khác để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác, sử dụng.
+ Triển khai các hình thức phổ biến pháp luật phù hợp; biên soạn, đăng tải, phát hành rộng rãi tài liệu phổ biến và phối hợp với Bộ Tư pháp để cập nhật trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật quốc gia http://pbgdpl.gov.vn.
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình bằng các hình thức cụ thể; phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
- Cơ quan thực hiện: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình khác.
- Cơ quan phối hợp:
+ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
+ Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
+ Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đến các hội viên.
- Thời gian thực hiện: Hằng năm.
(4) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao trong Luật theo lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công.
Thời gian thực hiện: Hằng năm
Xem chi tiết tại Quyết định 428/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 18/5/2024.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |