Xin cho tôi hỏi hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch, huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam yêu cầu những gì? - Thanh Trúc (Khánh Hòa)
Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch, huỷ bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, các căn cứ tước quốc tịch Việt Nam như sau:
(i) Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(ii) Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại (i).
Cụ thể tại Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định về căn cứ hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam như sau:
- Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cố ý khai báo không đúng sự thật hoặc giả mạo giấy tờ khi xin nhập quốc tịch Việt Nam thì Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam có thể bị hủy bỏ, nếu được cấp chưa quá 5 năm.
- Việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam của vợ hoặc chồng không làm thay đổi quốc tịch Việt Nam của người kia.
Hồ sơ kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
(1) Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì hồ sơ gồm có:
- Văn bản kiến nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Cơ quan đại diện về việc tước quốc tịch Việt Nam;
- Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam;
- Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có.
(2) Trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi quy định khoản 1 Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 kiến nghị tước quốc tịch Việt Nam của người đó thì hồ sơ gồm có:
- Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc tước quốc tịch Việt Nam;
- Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.
Theo Điều 23 Nghị định 16/2020/NĐ-CP, hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam bao gồm:
(1) Trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì hồ sơ gồm có:
- Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Hồ sơ, tài liệu điều tra, xác minh, kết luận của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm của người bị đề nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Đơn, thư tố cáo người bị đề nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có.
(2) Trường hợp Tòa án đã xét xử bị cáo có hành vi quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam đối với người đó thì hồ sơ gồm có:
- Văn bản kiến nghị của Tòa án về việc hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;
- Bản án đã có hiệu lực pháp luật và các tài liệu có liên quan.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |