Căn cứ tính thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý

Căn cứ tính thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý
Tran Thanh Rin

Tôi muốn biết thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý được tính như thế nào? - Quốc Hải (Bình Thuận)

Căn cứ tính thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý

Căn cứ tính thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Căn cứ tính thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý

Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 02/2021/TT-BTP, các căn cứ để tính thời gian thực hiện trợ giúp pháp lý đối với vụ việc tham gia tố tụng hình sự gồm:

(i) Tham gia hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai của người bị buộc tội, người bị hại, người làm chứng, đương sự trong vụ án hình sự;

(ii) Tham gia đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, thực nghiệm điều tra và thực hiện các công việc tham gia tố tụng khác theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng;

(iii) Làm việc với người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng;

(iv) Xác minh, thu thập, đánh giá tài liệu, đồ vật, chứng cứ có liên quan theo các giai đoạn tố tụng;

(v) Làm việc với người bị buộc tội tại Buồng tạm giữ thuộc Đồn Biên phòng, Nhà tạm giữ, Trại tạm giam, Trại giam;

(vi) Gặp gỡ với người bị buộc tội tại ngoại hoặc người thân thích của người bị buộc tội; bị hại hoặc người thân thích của bị hại; người làm chứng, đương sự trong vụ án hình sự và những người tham gia tố tụng khác;

(vii) Nghiên cứu hồ sơ, sao chụp và chuẩn bị tài liệu tại cơ quan tiến hành tố tụng hoặc tại Trung tâm, Chi nhánh, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý;

(viii) Chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ;

(ix) Tham gia phiên tòa. Trường hợp người thực hiện trợ giúp pháp lý đến tham gia phiên tòa nhưng phiên toà hoãn xử mà không phải do yêu cầu của người thực hiện trợ giúp pháp lý và không được báo trước thì tính thời gian người thực hiện trợ giúp pháp lý làm việc với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng về nội dung liên quan đến hoãn phiên tòa;

(x) Thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục kháng cáo, kháng nghị bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;

(xi) Thực hiện các công việc hợp lý khác theo quy định của pháp luật để phục vụ việc bào chữa, bảo vệ.

2. Cách xác nhận thời gian tham gia tố tụng hình sự của người thực hiện trợ giúp pháp lý

Thời gian làm việc của người thực hiện trợ giúp pháp lý phải được các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân xác nhận như sau:

- Thời gian thực hiện hoạt động quy định tại (i) ở mục 1 do người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng xác nhận;

- Thời gian thực hiện các hoạt động quy định tại (ii), (iii) ở mục 1 do người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hoặc do người làm việc trực tiếp với người thực hiện trợ giúp pháp lý xác nhận;

- Thời gian thực hiện hoạt động quy định tại (iv) ở mục 1 do cơ quan hoặc tổ chức hoặc cá nhân mà người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tiếp làm việc xác nhận;

- Thời gian thực hiện hoạt động quy định tại (v) ở mục 1 do người bị buộc tội hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cán bộ Đồn Biên phòng; Nhà tạm giữ; Trại tạm giam; Trại giam xác nhận;

- Thời gian thực hiện hoạt động quy định tại (vi) ở mục 1 do người làm việc trực tiếp với người thực hiện trợ giúp pháp lý xác nhận;

- Thời gian thực hiện hoạt động quy định tại (vii) ở mục 1 do người tiến hành tố tụng hoặc Trung tâm, Chi nhánh, tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý xác nhận;

- Thời gian thực hiện các hoạt động quy định tại (viii), (ix), (x) ở mục 1 do Trung tâm hoặc Chi nhánh hoặc tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý xác nhận;

- Thời gian thực hiện hoạt động quy định tại (xi) ở mục 1 do Thẩm phán hoặc Thư ký phiên tòa xác nhận.

(Khoản 3 Điều 4 Thông tư 02/2021/TT-BTP)

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý

Các hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý:

- Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:

+ Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;

+ Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;

+ Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;

+ Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý 2017 và quy định của pháp luật về tố tụng;

+ Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;

+ Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.

- Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:

+ Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;

+ Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;

+ Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.

(Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017)

425 lượt xem



  • Address: 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City
    Phone: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Parent company: THU VIEN PHAP LUAT Ltd.
Editorial Director: Mr. Bui Tuong Vu - Tel. 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyen Van Troi, Ward 8, Phu Nhuan District, HCM City;