Tôi muốn biết ai là người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số? Thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số cần đảm bảo yêu cầu gì? – Văn Cường (Ninh Thuận)
Ai là người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT, người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm:
(i) Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.
(i) Người không thuộc trường hợp quy định tại (i) nhưng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật.
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý 2017, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật. (Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017) |
Cụ thể người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số bao gồm:
- Trợ giúp viên pháp lý;
- Cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh;
- Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
(Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT)
Khi thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số thì cần phải đảm bảo các yêu cầu như sau:
- Bảo đảm người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý bằng tiếng của dân tộc mình trong trường hợp đối tượng yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính, cách thức thực hiện trợ giúp pháp lý phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân tộc thiểu số tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý.
- Tạo điều kiện thuận lợi và chủ động gặp người có yêu cầu để thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý.
(Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT)
Cụ thể tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trợ giúp pháp lý như sau:
(1) Nghiêm cấm tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
- Xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý; phân biệt đối xử người được trợ giúp pháp lý;
- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý; sách nhiễu người được trợ giúp pháp lý;
- Tiết lộ thông tin về vụ việc trợ giúp pháp lý, về người được trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp người được trợ giúp pháp lý đồng ý bằng văn bản hoặc luật có quy định khác;
- Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý, trừ trường hợp quy định tại Luật này và quy định của pháp luật về tố tụng;
- Lợi dụng hoạt động trợ giúp pháp lý để trục lợi, xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội;
- Xúi giục, kích động người được trợ giúp pháp lý cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện trái pháp luật.
(2) Nghiêm cấm người được trợ giúp pháp lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý có hành vi sau đây:
- Xâm phạm sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thực hiện trợ giúp pháp lý và uy tín của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Cố tình cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về vụ việc trợ giúp pháp lý;
- Đe dọa, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động trợ giúp pháp lý; gây rối, làm mất trật tự, vi phạm nghiêm trọng nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |