Xin cho tôi hỏi người bị khiếu nại về lao động có các quyền và nghĩa vụ như thế nào trong khiếu nại về lao động? - Nhật Huy (Gia Lai)
- Các hình thức khiếu nại về lao động năm 2023
- Trình tự tiếp công dân khiếu nại về BHXH tại điểm tiếp công dân
Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại về lao động (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Người bị khiếu nại về lao động là ai?
Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người bị khiếu nại về lao động là người sử dụng lao động, người đứng đầu tổ chức liên quan đến việc làm có quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại.
Cụ thể, khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)
2. Quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại về lao động
2.1. Quyền của người bị khiếu nại về lao động
Người bị khiếu nại có quyền được quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Đưa ra chứng cứ về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại;
- Được biết, đọc, sao chụp, sao chép tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại lần hai thu thập để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người khiếu nại theo quy định của pháp luật;
- Yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại cung cấp nội dung thông tin, tài liệu đó cho mình trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu và giao cho người giải quyết khiếu nại lần hai để giải quyết khiếu nại, trừ thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước hoặc bí mật của người khiếu nại theo quy định của pháp luật;
- Nhận quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;
- Khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính trong trường hợp không đồng ý với nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2018/NĐ-CP
2.2. Nghĩa vụ của người bị khiếu nại về lao động
Cụ thể tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người bị khiếu nại có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện việc giải quyết khiếu nại lần đầu theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Nghị định 24/2018/NĐ-CP;
- Tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại;
- Chấp hành quyết định xác minh nội dung khiếu nại của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai;
- Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai yêu cầu;
- Giải trình về tính hợp pháp, đúng đắn của quyết định, hành vi bị khiếu nại khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai yêu cầu;
- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Ngoài các quy định trên, người bị khiếu nại thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Các trường hợp khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết
Các khiếu nại về lao động không được thụ lý giải quyết nếu thuộc các trường hợp sau đây:
- Quyết định, hành vi bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.
- Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp.
- Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại.
- Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
- Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 7 đã hết mà không có lý do theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.
- Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày, kể từ ngày có văn bản thông báo người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại.
- Khiếu nại đã có quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật.
- Khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án.
(Điều 9 Nghị định 24/2018/NĐ-CP)
Thanh Rin
- Key word:
- khiếu nại về lao động
- người bị khiếu nại