Cuối năm và dịp Tết là lúc doanh nghiệp đánh giá, tổng kết kế hoạch. Vậy vào dịp này thì người lao động có thể được nhận những khoản tiền nào? - Hữu Lý (Tiền Giang).
- TP.HCM: Rà soát doanh nghiệp không thông báo thời gian chi tiền thưởng Tết cho đoàn viên, người lao động
- Sớm công khai thời gian trả thưởng tết và lịch nghỉ Tết Âm lịch 2023
Những khoản tiền NLĐ được nhận cuối năm, dịp Tết (Hình từ internet)
Người lao động vào dịp cuối năm, nghỉ Tết có thể nhận được một số khoản tiền sau đây:
Tiền thưởng Tết
Tiền thưởng Tết có thể bao gồm: Tiền thưởng Tết Dương lịch và Tết Âm lịch.
Theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Chiếu theo quy định trên thì thưởng không phải là khoản tiền bắt buộc mà doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động.
Dù vậy, phần lớn doanh nghiệp sẽ có chính sách thưởng vào dịp tết. Mức thưởng tùy vào điều kiện của mỗi doanh nghiệp cũng như sự đóng góp của nhân viên trong năm.
Khoản thưởng Tết Dương lịch nếu có thường sẽ thấp hơn mức thưởng Tết Âm lịch.
Thưởng Tết Âm lịch còn có thể đồng thời là lương tháng 13.
Mặc dù vậy, pháp luật không có quy định cụ thể, do vậy mà ở nhiều nơi người lao động có thể được nhận đồng thời cả thưởng Tết Âm lịch và lương tháng 13.
Tiền chăm lo Tết từ công đoàn
Hằng năm, công đoàn sẽ có kế hoạch chăm lo tết cho người lao động khó khăn.
Dịp Tết 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Kế hoạch 266/KH-TLĐ về tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán 2023.
Về mức chăm lo Tết 2023, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở:
Trên cơ sở số lượng ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được phân bổ để chăm lo (bằng 10% tổng số đoàn viên đơn vị đang quản lý), nguồn kinh phí thực hiện từ kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có để thực hiện chăm lo cho ĐV, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người chi bằng tiền mặt.
Đối với đơn vị có nguồn thu xã hội hóa, cân đối nguồn thu, chi thường xuyên trong năm có thể chủ động chi cao hơn, phần chi cao hơn có thể bằng tiền mặt hoặc hiện vật.
Tiền nghỉ phép năm mà NLĐ chưa nghỉ
Theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động chỉ được thanh tiền nghỉ phép năm nếu không nghỉ phép hoặc chưa nghỉ hết ngày phép trong trường hợp nghỉ việc.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn chi trả cho người lao động khoản tiền tương ứng với số ngày nghỉ phép năm chưa nghỉ hết.
Không những vậy, số ngày phép năm chưa nghỉ hết còn được nhiều doanh nghiệp cộng vào tỷ lệ % để đánh giá thưởng tết cho người lao động.
Như vậy, trường hợp cuối năm nay, người lao động nghỉ việc mà chưa nghỉ hết phép thì có thể đề nghị doanh nghiệp thanh toán khoản tiền này.
Tiền lương đi làm trong những ngày nghỉ tết
Tết dương lịch, tết âm lịch là những ngày nghỉ lễ tết của người lao động, được nghỉ làm và hưởng nguyên lương.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được nghỉ làm và hưởng nguyên lương 5 ngày vào dịp Tết âm lịch. Nếu đi trực, làm thêm vào ngày Tết, người lao động sẽ được trả lương làm thêm giờ.
Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
Vào ngày thường ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hàng tuần ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Châu Thanh
- Key word:
- thưởng tết