Xin hỏi là người có uy tín trong dân tộc thiểu số thì được hưởng chế độ, chính sách gì? Ngọc Tú (Lâm Đồng)
Quy định về chế độ chính sách cho người có uy tín (Hình từ Internet)
1. Nguyên tắc thực hiện chế độ chính sách của người có uy tín
Tại Điều 3 Quyết định 12/2018/QĐ-TTg quy định về nguyên tắc thực hiện chế độ chính sách cho người có uy tín như sau:
- Người có uy tín được lựa chọn từ thôn, bản, xóm, buôn, làng, phum, sóc, tổ dân phố và tương đương (gọi chung là thôn).
- Chính sách thực hiện trực tiếp đối với người có uy tín, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng chế độ.
- Người có uy tín do địa phương trực tiếp quản lý, phân công, phân cấp thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh.
- Trường hợp người có uy tín thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ với cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.
2. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín
Tại Điều 5 Quyết định 12/2018/QĐ-TTg quy định về chế độ, chính sách đối với người có uy tín như sau:
2.1. Chính sách cung cấp thông tin cho người có uy tín
- Định kỳ hoặc đột xuất người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
Tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội;
Bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương;
- Người có uy tín được cấp (không thu tiền):
+ 01 tờ Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc;
+ 01 tờ báo tỉnh hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp đối với người có uy tín do địa phương lựa chọn;
- Người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng;
- Tùy vào tình hình cụ thể của từng địa phương người có uy tín được thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do địa phương xác định, thực hiện.
2.2. Chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần cho người có uy tín
Theo phân cấp quản lý thực hiện chính sách, người có uy tín như sau:
- Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số không quá 02 lần/năm; mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần;
- Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị ốm đau không quá 01 lần/năm.
Mức chi: không quá 3.000.000 đồng/người/năm đối với cấp Trung ương;
Không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh; không quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện;
- Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn).
Mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan Trung ương;
Không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp tỉnh;
Không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp huyện;
- Thăm viếng, động viên khi người có uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con) qua đời.
Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương;
Không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp tỉnh;
Không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan cấp huyện;
2.3. Chính sách khen thưởng cho người có uy tín
- Người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng.
- Các đoàn đại biểu người có uy tín do địa phương tổ chức đến thăm, làm việc tại các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các cấp ở Trung ương và địa phương được đón tiếp, tặng quà lưu niệm. Mức chi tặng quà không quá 500.000 đồng/đại biểu;
Chi đón tiếp thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi tiếp khách trong nước.
Ngọc Nhi