Việc xác minh tài sản thu nhập trong phòng chống tham nhũng được tiến hành khi có những căn cứ nào? – Kim Anh (Phú Yên)
- Hình thức công khai trong phòng chống tham nhũng
- Căn cứ xác minh tài sản thu nhập của cán bộ, công chức
- Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát
- Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao
Căn cứ, trình tự xác minh tài sản thu nhập trong phòng chống tham nhũng (Hình từ internet)
1. Căn cứ xác minh tài sản thu nhập
Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực;
- Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc;
- Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;
- Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên;
- Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
(Điều 41 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
2. Nội dung xác minh tài sản, thu nhập
Nội dung xác minh tài sản, thu nhập bao gồm:
- Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai.
- Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
3. Trình tự xác minh tài sản, thu nhập
Việc xác minh tài sản thu nhập bao gồm các bước sau:
- Ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập và thành lập Tổ xác minh tài sản, thu nhập.
- Yêu cầu người được xác minh giải trình về tài sản, thu nhập của mình.
- Tiến hành xác minh tài sản, thu nhập.
- Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập.
- Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
- Gửi và công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập.
(Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
4. Quyền và nghĩa vụ của người được xác minh tài sản, thu nhập
Người được xác minh tài sản, thu nhập có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Giải trình về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
- Cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh khi có yêu cầu của Tổ xác minh tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin đã cung cấp.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời yêu cầu của Tổ xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập.
- Chấp hành quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về kiểm soát tài sản, thu nhập.
- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh tài sản, thu nhập khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xác minh tài sản, thu nhập.
- Được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của người xác minh tài sản, thu nhập gây ra theo quy định của pháp luật.
(Điều 47 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
5. Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra quyết định xác minh, Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập phải báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bằng văn bản cho người ra quyết định xác minh; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày.
- Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập bao gồm các nội dung sau đây:
+ Nội dung được xác minh, hoạt động xác minh đã được tiến hành và kết quả xác minh;
+ Đánh giá về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai; tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
+ Kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
(Điều 48 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
6. Kết luận xác minh tài sản, thu nhập
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh phải ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập; trường hợp phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 20 ngày.
- Kết luận xác minh tài sản, thu nhập bao gồm các nội dung sau đây:
+ Tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của việc kê khai tài sản, thu nhập;
+ Tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm;
+ Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.
- Người ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập phải chịu trách nhiệm về tính khách quan, trung thực của Kết luận xác minh.
- Kết luận xác minh tài sản, thu nhập phải được gửi cho người được xác minh và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân yêu cầu, kiến nghị xác minh quy định tại Điều 42 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
- Người được xác minh có quyền khiếu nại Kết luận xác minh tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
(Điều 49 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
7. Công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Kết luận xác minh tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh tài sản, thu nhập có trách nhiệm công khai Kết luận xác minh.
- Việc công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập được thực hiện như việc công khai bản kê khai quy định tại Điều 39 của Luật này.
(Điều 50 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018)
Diễm My
- Key word:
- kiểm soát tài sản thu nhập