Tôi muốn hỏi có bao nhiêu loại bản đồ hành chính các cấp theo pháp luật Việt Nam? - Phú Cường (Quảng Ngãi)
06 loại bản đồ hành chính các cấp theo pháp luật Việt Nam (Hình từ Internet)
1. Bản đồ hành chính là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT, bản đồ hành chính là bản đồ chuyên đề có yếu tố chuyên môn thể hiện sự phân chia lãnh thổ và quản lý đơn vị hành chính theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
2. 06 loại bản đồ hành chính các cấp theo pháp luật Việt Nam
Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT, bản đồ hành chính các cấp bao gồm:
(1) Bản đồ hành chính toàn quốc là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia và quản lý hành chính cấp tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền biển, đảo và quần đảo.
(2) Bản đồ hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là bản đồ hành chính cấp tỉnh) là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia và quản lý hành chính cấp huyện, xã thuộc lãnh thổ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(3) Bản đồ hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là bản đồ hành chính cấp huyện) là bản đồ hành chính thể hiện sự phân chia và quản lý hành chính cấp xã thuộc lãnh thổ một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
(4) Tập bản đồ hành chính toàn quốc là tập bản đồ có tập hợp các bản đồ hành chính cấp tỉnh thuộc lãnh thổ Việt Nam có cùng kích thước.
(5) Tập bản đồ hành chính cấp tỉnh là tập bản đồ có tập hợp các bản đồ hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh có cùng kích thước.
(6) Tập bản đồ hành chính cấp huyện là tập bản đồ có tập hợp các bản đồ xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị hành chính cấp huyện có cùng kích thước.
3. Độ chính xác bản đồ hành chính các cấp
Độ chính xác bản đồ hành chính các cấp được quy định như sau:
- Sai số độ dài cạnh khung bản đồ ≤ 0,2 mm; đường chéo bản đồ ≤ 0,3 mm; khoảng cách giữa điểm tọa độ và điểm góc khung bản đồ ≤ 0,2 mm so với giá trị lý thuyết.
- Sai số giới hạn vị trí mặt bằng
+ Sai số vị trí mặt phẳng của điểm tọa độ nhà nước ≤ 0,3 mm theo tỷ lệ bản đồ;
+ Sai số vị trí mặt phẳng của các đối tượng địa vật trên bản đồ so với các điểm tọa độ nhà nước: Đối với vùng đồng bằng: ≤ 1,0 mm; đối với vùng núi, trung du: ≤ 1,5 mm.
- Trong trường hợp các ký hiệu trên bản đồ dính liền nhau, khi trình bày được phép xê dịch đối tượng có độ chính xác thấp hơn và đảm bảo giãn cách giữa các đối tượng ≤ 0,3 mm.
- Sai số độ cao do xê dịch đường bình độ trong quá trình tổng quát hóa ≤ 1/2 khoảng cao đều. Trong trường hợp ở những vùng núi cao khó khăn đi lại có thể nới rộng sai số đến 1 khoảng cao đều.
- Ghi chú độ cao, độ sâu lấy tròn số đơn vị mét.
(Điều 6 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT)
4. Cơ sở toán học bản đồ hành chính các cấp
Theo Điều 5 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT, cơ sở toán học bản đồ hành chính các cấp được quy định như sau:
- Bản đồ hành chính toàn quốc sử dụng lưới chiếu hình nón đứng đồng góc với các thông số: 2 vĩ tuyến chuẩn là 11o vĩ độ Bắc, 21o vĩ độ Bắc; kinh tuyến trục 108o kinh độ Đông; vĩ tuyến gốc 4 o vĩ độ Bắc.
- Bản đồ hành chính cấp tỉnh, bản đồ hành chính cấp huyện áp dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ quốc gia VN-2000: Ê-líp-xô-ít WGS-84 toàn cầu; bán trục lớn là 6378137,0m; độ dẹt là 1:298,257223563; sử dụng lưới chiếu hình trụ ngang đồng góc với múi chiếu 6o có hệ số điều chỉnh tỷ lệ biến dạng chiều dài k0 = 0,9996; kinh tuyến trục của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này; Hệ độ cao quốc gia Việt Nam.
- Tập bản đồ hành chính có các bản đồ hành chính loại nào thì cơ sở toán học theo quy định tương ứng tại các điều trên.
5. Các công việc thành lập bản đồ hành chính các cấp
Các công việc thành lập bản đồ hành chính các cấp bao gồm các bước sau:
- Biên tập khoa học.
- Biên tập kỹ thuật.
- Xây dựng bản tác giả dạng số.
- Biên tập hoàn thiện bản tác giả.
- Kiểm tra nghiệm thu.
- Đóng gói và giao nộp sản phẩm.
(Điều 8 Thông tư 47/2014/TT-BTNMT)
Thanh Rin
- Key word:
- Bản đồ hành chính
- bản đồ hành chính các cấp