Xin hỏi việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua các hình thức nào theo quy định pháp luật mới nhất? - Thanh Trúc (Bìa Rịa - Vũng Tàu)
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí
- Điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí
- Quy định về chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu
04 hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí
Theo quy định tại Điều 15 Luật Dầu khí 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023) thì việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí tại lô dầu khí mở được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau đây:
- Đấu thầu rộng rãi;
- Đấu thầu hạn chế;
- Chào thầu cạnh tranh;
- Chỉ định thầu.
04 hình thức lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí (Hình từ internet)
Quy định về hình thức đấu thầu rộng rãi
- Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo hình thức đấu thầu rộng rãi được áp dụng trên nguyên tắc cạnh tranh đối với lô dầu khí không thuộc trường hợp quy định tại các điều 19, 20 và 21 Luật Dầu khí 2022.
- Quy trình đấu thầu rộng rãi bao gồm các bước sau đây:
+ Thông báo mời thầu;
+ Đăng ký dự thầu;
+ Phát hành hồ sơ mời thầu;
+ Nhận hồ sơ dự thầu, mở thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu;
+ Thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hợp đồng dầu khí;
+ Đàm phán và hoàn thiện hợp đồng dầu khí;
+ Thẩm định, phê duyệt và ký kết hợp đồng dầu khí.
Quy định về hình thức đấu thầu hạn chế
- Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp có yêu cầu đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được.
- Quy trình đấu thầu hạn chế bao gồm các bước như quy trình đấu thầu rộng rãi quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Dầu khí 2022.
Quy định về hình thức chào thầu cạnh tranh
- Việc lựa chọn nhà thầu để ký kết hợp đồng dầu khí theo hình thức chào thầu cạnh tranh được áp dụng trong trường hợp lô dầu khí không nằm trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hiện có và được đề xuất bởi ít nhất 02 tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện quy định tại Điều 16 Luật Dầu khí 2022 để ký kết hợp đồng dầu khí.
- Quy trình chào thầu cạnh tranh bao gồm các bước sau đây:
+ Thông báo chào thầu cạnh tranh;
+ Đăng ký tham dự chào thầu cạnh tranh;
+ Phát hành hồ sơ mời chào thầu cạnh tranh;
+ Nhận hồ sơ và đánh giá hồ sơ chào thầu cạnh tranh;
+ Thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hợp đồng dầu khí;
+ Đàm phán và hoàn thiện hợp đồng dầu khí;
+ Thẩm định, phê duyệt và ký kết hợp đồng dầu khí.
Quy định về hình thức chỉ định thầu
- Việc lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí theo hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với lô dầu khí trong các trường hợp sau đây:
+ Liên quan đến quốc phòng, an ninh;
+ Chỉ có 01 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện quy định tại Điều 16 Luật Dầu khí 2022 đề xuất ký kết hợp đồng dầu khí sau khi đã được thông tin rộng rãi trong vòng 30 ngày nhưng không có nhà thầu khác quan tâm;
+ Nhà thầu đang thực hiện hợp đồng dầu khí đề xuất đầu tư bổ sung trong cùng diện tích hợp đồng với điều kiện kinh tế, kỹ thuật cho hợp đồng dầu khí mới sau khi hợp đồng dầu khí đã ký kết hết thời hạn.
- Quy trình chỉ định thầu bao gồm các bước sau đây:
+ Phát hành hồ sơ yêu cầu chỉ định thầu;
+ Nhận hồ sơ đề xuất và đánh giá hồ sơ đề xuất;
+ Thẩm định, phê duyệt, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu và điều kiện kinh tế, kỹ thuật cơ bản của hợp đồng dầu khí;
+ Đàm phán và hoàn thiện hợp đồng dầu khí;
+ Thẩm định, phê duyệt và ký kết hợp đồng dầu khí.
Mai Thanh Lợi