Quy trình bổ sung thành viên tổ hợp tác được pháp luật quy định như thế nào? - Kim Chi (Tiền Giang)
Quy trình bổ sung thành viên tổ hợp tác (Hình từ Internet)
1. Tổ hợp tác là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 77/2019/NĐ-CP thì tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.
2. Quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác
Quyền và nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác theo Điều 8 và Điều 9 Nghị định 77/2019/NĐ-CP như sau:
2.1. Quyền của thành viên tổ hợp tác
- Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác.
- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến việc thực hiện hợp đồng hợp tác, quản lý, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.
- Rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.
- Các quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.
2.2. Nghĩa vụ của thành viên tổ hợp tác
- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động của tổ hợp tác.
- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Thực hiện các quy định trong hợp đồng hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác.
- Góp đủ và đúng thời hạn tài sản, công sức đã cam kết tại hợp đồng hợp tác.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan.
3. Quy trình bổ sung thành viên tổ hợp tác
Quy trình bổ sung thành viên tổ hợp tác theo Điều 10 Nghị định 77/2019/NĐ-CP như sau:
Thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận quy trình, điều kiện bổ sung thành viên và ghi vào hợp đồng hợp tác. Trong trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định, thành viên tổ hợp tác được bổ sung theo quy trình sau:
- Cá nhân, pháp nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định 77/2019/NĐ-CP, có nguyện vọng gia nhập tổ hợp tác, viết đơn hoặc thể hiện nguyện vọng trực tiếp với tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền).
- Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) tổ chức lấy ý kiến thành viên tổ hợp tác, trực tiếp hoặc gián tiếp, về vấn đề bổ sung thành viên tổ hợp tác.
- Cá nhân, pháp nhân được công nhận tư cách thành viên tổ hợp tác khi được hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác đồng ý bổ sung và ghi tên vào hợp đồng hợp tác.
4. Chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác
Chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác theo Điều 11 Nghị định 77/2019/NĐ-CP như sau:
- Tư cách thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
+ Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động theo quy định tại Điều 14 Nghị định 77/2019/NĐ-CP;
+ Thành viên tổ hợp tác là cá nhân chết, hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Nghị định 77/2019/NĐ-CP;
+ Thành viên tổ hợp tác là pháp nhân chấm dứt tồn tại, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định 77/2019/NĐ-CP;
+ Thành viên tổ hợp tác tự nguyện rút khỏi tổ hợp tác theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 77/2019/NĐ-CP;
+ Thành viên tổ hợp tác vi phạm nghiêm trọng quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật khác có liên quan.
- Thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định, quy trình chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác và ghi vào hợp đồng hợp tác.
Trong trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định cụ thể, việc chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định 77/2019/NĐ-CP được thực hiện như sau:
+ Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) tổng hợp và đề xuất danh sách các thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt tư cách thành viên tại cuộc họp thành viên gần nhất để các thành viên tổ hợp tác xem xét, quyết định;
+ Tư cách thành viên tổ hợp tác sẽ bị chấm dứt nếu có hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác tán thành và được ghi vào biên bản cuộc họp, ghi cụ thể tỷ lệ phần trăm (%) số thành viên tán thành;
+ Tổ trưởng tổ hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) thay mặt tổ hợp tác thông báo cho toàn thể thành viên tổ hợp tác về việc chấm dứt tư cách thành viên, gạch tên thành viên ra khỏi tổ hợp tác trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp thành viên tổ hợp tác.
- Quyền và nghĩa vụ của các thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt tư cách thành viên được các thành viên tự thỏa thuận và ghi trong hợp đồng hợp tác. Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định thì thực hiện theo quy định tại Điều 26 Nghị định 77/2019/NĐ-CP.
- Trường hợp thành viên tổ hợp tác bị chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định 77/2019/NĐ-CP thì được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan.
- Việc chấm dứt tư cách thành viên tổ hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.
Quốc Đạt
- Key word:
- thành viên tổ hợp tác