Xin hỏi hoạt động kiểm tra, giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu được quy định như thế nào? - Mỹ Thơ (Tiền Giang)
- Hình thức cung cấp thông tin về đấu thầu
- Đơn giản hóa hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu
- Cấm lợi dụng chức vụ để can thiệp bất hợp pháp hoạt động đấu thầu
Quy định về kiểm tra, giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu (Hình từ Internet)
1. Đấu thầu là gì?
Theo khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013 (sửa đổi tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020) như sau:
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
2. Quy định về kiểm tra hoạt động đấu thầu
Việc kiểm tra hoạt động đấu thầu theo Điều 125 Nghị định 63/2014/NĐ-CP như sau:
(1) Kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo kế hoạch định kỳ hoặc đột xuất khi có vướng mắc, kiến nghị, đề nghị hoặc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra về công tác đấu thầu theo quy định tại (2) mục này.
Phương thức kiểm tra bao gồm kiểm tra trực tiếp, yêu cầu báo cáo.
(2) Bộ trưởng; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo việc kiểm tra hoạt động đấu thầu đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình và các dự án do mình quyết định đầu tư nhằm mục đích:
Quản lý, điều hành và chấn chỉnh hoạt động đấu thầu bảo đảm đạt được mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, tăng cường hiệu quả của công tác đấu thầu và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.
(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước, Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Các doanh nghiệp nhà nước chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu khi có yêu cầu của người có thẩm quyền của cơ quan kiểm tra về công tác đấu thầu. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu tại địa phương mình.
(4) Kiểm tra đấu thầu bao gồm kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.
- Nội dung kiểm tra định kỳ bao gồm:
+ Kiểm tra việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện công tác đấu thầu, phân cấp trong đấu thầu;
+ Kiểm tra công tác đào tạo về đấu thầu;.
+ Kiểm tra việc cấp chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu;
+ Kiểm tra việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu;
+ Kiểm tra nội dung hợp đồng ký kết và việc tuân thủ các căn cứ pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng;
+ Kiểm tra trình tự và tiến độ thực hiện các gói thầu theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt;
+ Kiểm tra tình hình thực hiện báo cáo về công tác đấu thầu;
+ Kiểm tra việc triển khai thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, theo dõi về công tác đấu thầu.
- Nội dung kiểm tra đột xuất: Căn cứ theo yêu cầu kiểm tra đột xuất, quyết định kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra quy định các nội dung kiểm tra cho phù hợp.
(5) Sau khi kết thúc kiểm tra, phải có báo cáo, kết luận kiểm tra. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc khắc phục các tồn tại (nếu có) đã nêu trong kết luận kiểm tra. Trường hợp phát hiện có sai phạm thì cần đề xuất biện pháp xử lý hoặc chuyển cơ quan thanh tra, điều tra để xử lý theo quy định.
(6) Nội dung kết luận kiểm tra bao gồm:
- Tình hình thực hiện công tác đấu thầu tại đơn vị được kiểm tra;
- Nội dung kiểm tra;
- Nhận xét;
- Kết luận;
- Kiến nghị.
3. Quy định về giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu
Theo Điều 126 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về giám sát và theo dõi hoạt động đấu thầu như sau:
(1) Người có thẩm quyền cử cá nhân hoặc đơn vị có chức năng quản lý về hoạt động đấu thầu tham gia giám sát, theo dõi việc thực hiện của chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình lựa chọn nhà thầu để bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
(2) Người có thẩm quyền quyết định và chỉ đạo việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm do mình quyết định khi thấy cần thiết;
Tập trung giám sát, theo dõi đối với các chủ đầu tư, bên mời thầu có thắc mắc, kiến nghị, đối với các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, các gói thầu có giá trị lớn, đặc thù, yêu cầu cao về kỹ thuật.
(3) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý về hoạt động đấu thầu thuộc các cơ quan này có trách nhiệm chủ trì, tổ chức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với trường hợp Bộ trưởng;
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương là người có thẩm quyền.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; tổ chức việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu đối với các dự án do địa phương quyết định đầu tư hoặc quản lý.
(4) Nội dung giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu, bao gồm:
- Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu: Lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu: Phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất: Chất lượng báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thương thảo hợp đồng;
- Thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;
- Hoàn thiện và ký kết hợp đồng: Quá trình hoàn thiện hợp đồng, nội dung hợp đồng ký kết và việc tuân thủ các căn cứ pháp lý trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng.
(5) Phương thức giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
- Đối với các gói thầu cần được tổ chức giám sát, theo dõi thì người có thẩm quyền thông báo bằng văn bản tới các chủ đầu tư, bên mời thầu;
- Bên mời thầu có trách nhiệm công khai tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi cho các nhà thầu đã mua hoặc nhận hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Bên mời thầu có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu cho cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi khi nhận được yêu cầu bằng văn bản;
- Khi phát hiện hành vi, nội dung không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu, cá nhân hoặc đơn vị thực hiện việc giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu phải có trách nhiệm:
Báo cáo kịp thời bằng văn bản đến người có thẩm quyền để có những biện pháp xử lý thích hợp, bảo đảm hiệu quả của quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.
(6) Trách nhiệm của cá nhân hoặc đơn vị giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu:
- Trung thực, khách quan; không gây phiền hà cho chủ đầu tư, bên mời thầu trong quá trình giám sát, theo dõi;
- Yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ quá trình giám sát, theo dõi;
- Tiếp nhận thông tin phản ánh của nhà thầu và các tổ chức, cá nhân liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu của gói thầu đang thực hiện giám sát, theo dõi;
- Bảo mật thông tin theo quy định;
- Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.
Quốc Đạt
- Key word:
- hoạt động đấu thầu