Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT nêu ra các quy định liên quan đến trường giáo dục chuyên biệt.
Trường giáo dục chuyên biệt là gì? Các loại hình của trường giáo dục chuyên biệt (Hình từ Internet)
Ngày 26/12/2024, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp dành cho người khuyết tật.
Theo khoản 1 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT, trường giáo dục chuyên biệt là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, dành cho đối tượng học sinh khuyết tật cần các yêu cầu giáo dục đặc biệt theo phương thức giáo dục chuyên biệt với mục tiêu bảo đảm quyền được tham gia giáo dục, mở ra cơ hội học tập và học tập suốt đời đối với học sinh khuyết tật.
Trường giáo dục chuyên biệt có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng;
Lưu ý: Trường giáo dục chuyên biệt được thành lập mới hoặc được tổ chức lại và hoạt động sau khi Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Cụ thể, trường giáo dục chuyên biệt bao gồm hai loại hình: công lập và tư thục.
- Trường giáo dục chuyên biệt công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu;
- Trường giáo dục chuyên biệt tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động.
(Khoản 2 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT)
Theo quy định, tên Trường giáo dục chuyên biệt: Trường giáo dục chuyên biệt + tên riêng hoặc tên địa danh.
Trong đó, tên riêng bảo đảm rõ ràng, không gây hiểu lầm; không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của Trường giáo dục chuyên biệt; bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu không phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tên Trường giáo dục chuyên biệt được ghi trên con dấu, biển tên.
Biển tên Trường giáo dục chuyên biệt bao gồm:
- Góc phía trên, bên trái
+ Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và tên tỉnh.
+ Dòng thứ hai: Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Ở giữa ghi tên Trường giáo dục chuyên biệt theo quy định tại khoản 1 Điều này;
- Phía dưới là địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của Trường giáo dục chuyên biệt.
Lưu ý: Các quy định trên áp dụng đối với các Trường giáo dục chuyên biệt được thành lập mới hoặc được tổ chức lại khi Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành.
(Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT)
Trường giáo dục chuyên biệt thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định đối với cơ sở giáo dục cùng cấp học, loại hình; các quy định tại Quy chế này; ngoài ra thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác như sau:
- Xây dựng kế hoạch trình cơ quan có thẩm quyền phối hợp tổ chức hoạt động can thiệp về y tế, phục hồi chức năng cho học sinh khuyết tật;
- Thực hiện nhiệm vụ về giáo dục học sinh khuyết tật: can thiệp giáo dục sớm, hỗ trợ giáo dục hòa nhập khi được cấp có thẩm quyền giao. Các hoạt động này thực hiện theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Cơ quan có thẩm quyền khi giao nhiệm vụ cần bảo đảm các điều kiện để Trường giáo dục chuyên biệt triển khai;
- Được hợp tác với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với học sinh khuyết tật theo quy định;
- Được tiếp nhận khoản viện trợ phục vụ công tác giáo dục học sinh khuyết tật theo quy định;
- Được tổ chức bán trú, nội trú phục vụ học sinh khuyết tật nếu đủ điều kiện.
(Khoản 1 Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT)
Xem thêm tại Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Address: | 19 Nguyen Gia Thieu, Vo Thi Sau Ward, District 3, Ho Chi Minh City |
Phone: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |